Thứ Tư, 25 tháng 5, 2011

Thất bại không bao giờ là điểm kết thúc

Ngày hôm nay, nó choàng khỏi cơn ngủ mê.

Và nó chợt nhớ lại câu chuyện hồi nhỏ rất thích.
Một lần nọ, khi hai người trợ lí của Thomas Edison chán nản nói: "Chúng tôi đã làm thí nghiệm đến 700 lần, thế mà vẫn chưa có câu trả lời. Chúng tôi đã THẤT BẠI". Edison trả lời: "Không đâu các bạn của tôi ơi, các bạn không thất bại vì chúng ta biết rõ vấn đề này hơn bất kì người nào trên thế gian. Chúng ta đang tiến rất gần việc tìm ra lời giải đáp bởi vì giờ đây ta đã biết được đến 700 cách mà ta không nên làm. Đừng gọi đó là lỗi lầm. Hãy gọi đó là 'sự rèn luyện'".
Là thế đấy.
Trong cuộc sống này, hầu hết mọi người đều nghĩ chọn được con đường dễ đi và có được cuộc sống dễ dàng mà không gặp phải trở ngại, khó khăn nào là điều tốt, đôi khi chính nó cũng có suy nghĩ như vậy. Bởi nào có ai muốn cuộc sống của mình khó khăn và gian nan chứ.
Nhưng nó cũng nhớ đến câu nói ưa thích rằng: "Sống là chiến đấu". Cuộc sống này không phải lúc nào cũng như mong muốn. Đừng bao giờ nghĩ khi ta hét lên "tôi muốn, tôi cần" thì cuộc sống sẽ tự nguyện mang cái "tôi muốn, tôi cần" ấy cho ta. Ta phải chiến đấu để có được thứ mình muốn. Và chiến đấu đôi khi bắt ta di chuyển dù rằng ta muốn dừng lại.
Mỗi lúc sự trắc trở, gian nan ùa tới, cuộc sống thường lôi ta tới những vùng cảm xúc tồi tệ, khiến ta suy nhược, bất lực và thấy mình thất bại. Nhưng nếu thẳng thắn nhìn nhận, ta sẽ thấy thất bại cũng có cái thú vị vì nó tặng ta cơ hội để đấu tranh và nhận ra mình đang sống chứ không chỉ tồn tại. Thất bại và chiến đấu là hai quá trình không thể thiếu để một người phát triển "đi lên". Giống như một con rắn không thể lớn lên nếu lớp da cũ của nó không được loại bỏ.
Chẳng có gì tốt hay xấu hoàn toàn. Cũng như không chỉ đèn xanh mới tốt, mọi người cần cả đèn đỏ để dừng lại, quan sát và đi tiếp!
Nó nhớ đã đọc đâu đó về "bát phong". Theo đó chỉ ra rằng, con người có khuynh hướng bị ảnh hưởng bởi tám ngọn gió:
Sự ca ngợi - Sự khiển trách
Danh tiếng - Sự phỉ báng
Lợi ích - Tổn thất
Niềm vui - Nỗi buồn
Người Trung Quốc xưa gọi là "bát phong" vì nó có khuynh hướng làm cho một người đi từ thái cực này sang thái cực khác và ngược lại. Khi bạn thành công, bạn sẽ được bốn ngọn gió: sự ca ngợi, danh tiếng, lợi ích và niềm vui thổi bạn tung bay. Còn khi thất bại thì cũng luôn có bốn ngọn gió là: sự khiển trách, sự phỉ báng, tổn thất và nỗi buồn đến và "quấy rầy" bạn.
Một khi chúng ta đã ước mơ, đã thực hiện, đã cố gắng và thất bại... thì hẳn đó sẽ là một mớ cảm xúc hỗn độn của sự tủi hờn, bất lực, xấu hổ, đau đớn, trống rỗng, mệt mỏi và tuyệt vọng. Chúng làm ta khủng hoảng và suy sụp tinh thần. Nhưng lúc đó ta cũng hiểu được vị đắng chát của "thất bại", ấy là: Đừng mong chờ tất cả bạn bè sẽ ở cạnh mình. Tất cả chỉ là lý thuyết trên một phương diện nào đó thôi. Bởi ai chẳng có những niềm riêng, những bận rộn và cuộc sống của mình.
Đôi khi ta cố bao biện cho điều đó, cố phủ định rằng không phải vậy, rằng sẽ luôn có ai đó yêu thương ở bên ta. Nhưng cũng nên nhìn thẳng vào thực tế. Những người bạn yêu thương có đủ sức ở lại khi cái họ thấy lúc đó chỉ là sự mệt mỏi, chán chường, không sức sống. Họ - những con người cũng có đủ lo toan "cơm, áo, gạo tiền" sẽ thấy bất lực, không thể làm gì cho ta và rồi lần lượt ra đi, để trốn chạy sự bất lực của họ.
Khi thất bại,
Đừng mong ước ta sẽ ung dung tự tại, vui vẻ như từng sống. Đó chỉ còn là giấc mơ.
Đừng mong có sự ủng hộ tinh thần của mọi người.
Đừng mong đợi có người đem tiền cho mượn để ta vượt qua khó khăn.
Thậm chí đừng mong thành viên nào trong gia đình hiểu ta!
Đừng mong ăn ngon, ngủ yên.
Đừng mong đợi là ta sẽ vẫn thích đi ra ngoài và gặp gỡ mọi người...
Nhưng suy cho cùng, ta suy sụp thế liệu có ích gì?
Sống trên đời ai dám nói mình chưa sai bao giờ. Ta nào phải người đầu tiên trên thế giới nếm trải điều ấy. Vậy thì có nên trách cứ bản thân không, có nên đổ lỗi cho mình vì điều đã xảy ra không? Tất cả những gì ta cần nhớ chỉ là: "Một quyết định đúng trong nhiều quyết định sai lầm để xoay chuyển mọi thứ!"
Khi bạn cảm thấy mình chẳng còn gì để cho
Và bạn chắc rằng bài hát đã kết thúc
Và dường như chẳng còn lý do gì để sống
Và màn đêm buông xuống
Bạn đến đâu để tìm ra sức mạnh mà bạn cần để tiếp tục cố gắng?
Bạn tìm đâu ra bàn tay sẽ lau khô những giọt lệ mà tim bạn đang rơi
Khi bạn bị đong đầy bằng nỗi buồn phiến và thất vọng
Hãy nghĩ đến điều tưởng chừng là kết thúc
Nghe lời thì thầm "Hãy chờ đến ngày mai"
Nỗi đau xé tim này chỉ là một chỗ cong trên đường.
Con đường vẫn nối tiếp sau chỗ cong...

- Victor Hugo"
Và tôi xin mượn lời của tiến sĩ Robert Schuller để kết thúc những suy nghĩ này:
Thất bại không có nghĩa... bạn là một kẻ thất bại
Điều đó chỉ có nghĩa là bạn chưa thành công mà thôi.
Thất bại không có nghĩa là bạn chẳng đạt được gì
Điều đó chỉ có nghĩa bạn đã học được điều gì đó.
Thất bại không có nghĩa bạn là một kẻ ngốc nghếch.
Điều đó chỉ có nghĩa bạn gan dạ, có nghị lực, bạn can đảm, hãy tự hào về bản thân mình.
Thất bại không có nghĩa là bạn chẳng bao giờ làm được điều đó.
Điều đó chỉ có nghĩa bạn mất thời gian lâu hơn.
Thất bại không có nghĩa là bạn đã kết thúc
Điều đó chỉ có nghĩa là bạn có một cơ hội để bắt đầu lại tất cả, cố gắng làm một điều gì đó mới mẻ.
Thất bại không có nghĩa là Chúa đã ruồng bỏ bạn
Điều đó chỉ có nghĩa là Ngài có một ý tưởng tuyệt vời hơn
.
Đúng thế đấy, thất bại chẳng bao giờ điểm kết thúc cả.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét