Thứ Năm, 5 tháng 5, 2011

Đề thi cao học toán ĐH Vinh

Đề thi sưu tầm.
http://www.mediafire.com/?5dpisecfr1h4w41

Đề đáp án môn giải tích thi cao học ĐH Huế 2010

Đề đáp án môn giải tích thi cao học ĐH Huế 2010
http://www.mediafire.com/?pdovri6i4cgof5a

Trẻ em làm toán siêu tốc

Trẻ em làm toán siêu tốc
Vừa nghe xong hiệu lệnh, cậu bé 9 tuổi quay lại phía chiếc bảng chằng chịt phép tính, liếc nhanh từ trên xuống dưới rồi ghi luôn kết quả, trong khi bên dưới các cô giáo vẫn loay hoay bấm chiếc máy tính cầm tay.

Không chỉ vậy, sau khi nghe thầy giáo đọc nhanh phép tính cộng trừ 6 số hàng chục được chọn ngẫu nhiên, cậu học sinh không chần chừ đưa ra kết quả chính xác. Thậm chí, chỉ cần nhìn lướt qua giá tiền của 10 món đồ trong giỏ, cậu bé đã đọc được tổng số tiền mà người mua phải trả...
Đây là một phần buổi trình diễn của học sinh chương trình đào tạo "Bàn tính và số học trí tuệ" của Tập đoàn UC MAS - Malaysia tại Tiểu học Kim Đồng (Hà Nội) chiều 26/3, nhân dịp chương trình này lần đầu được giới thiệu tại Việt Nam.
Chăm chú theo dõi phần trình diễn, chốc chốc hàng trăm học sinh lại ồ lên vì ngạc nhiên bởi khả năng tính toán siêu tốc của cậu bé 9 tuổi người Malaysia, theo học chương trình "Bàn tính và số học trí tuệ" được 4 năm. Còn các cô giáo, dù dùng máy tính cầm tay nhưng luôn đưa ra kết quả chậm hơn cậu học trò.
Làm phép tính. Ảnh: Tiến Dũng.
Không phải thần đồng nhưng sau 4 năm theo học chương trình của UC MAS, cậu bé này đã nhẩm ra kết quả của phép tính phức tạp ghi trên bảng, trong vòng 2 giây. Ảnh: Tiến Dũng.
"Bàn tính và số học trí tuệ" UC MAS là tiến trình giúp trẻ phát triển não trái và não phải. Đây là kỹ năng sử dụng bàn tính bằng việc chạm đầu ngón tay để truyền từ hạt bàn tính thành con số và để thực hiện tính toán cơ bản. Vì vậy, bước quan trọng đầu tiên của kỹ năng này là học cách sử dụng và thao tác với bàn tính.
Khi trẻ đã quen với bàn tính thì có thể chuyển sang số học trí tuệ bởi đây là sự tưởng tượng bàn tính bằng trí não mà không cần sử dụng bàn tính thật. Bằng việc sử dụng bàn tính tưởng tượng, trẻ có thể chuyển thông tin về con số từ não trái thành hình ảnh bàn tính hay là di chuyển hình ảnh hạt bàn tính trong não phải.
Khi nghe đọc một loạt phép toán, các ngón tay của cậu bé liên tục hoạt động trên chiếc bàn tính ảo được lập sẵn trong đầu. Với những phép tính như thế này, cậu bé 9 tuổi này chỉ cần tới 2 giây.
Sau khi đã thành thạo với hạt bàn phím, với phép tính trên cậu bé 9 tuổi này tự tưởng tượng ra bàn phím ảo và thực hiện giải chỉ trong vài giây.
Phó văn phòng Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Quang Đông Thành cho hay, trong khi học sinh đang kêu quá tải và chương trình học vẫn đang được xem xét điều chỉnh thì đây là một hình thức giảm tải. Với một bài cần tới nửa tiếng để học thuộc lòng thì khi có kỹ năng này, các em chỉ cần tới 5-10 phút để làm việc đó.
Ra đời từ năm 1993, hiện, UC MAS đã có mặt tại 40 nước, trong đó có Anh, Mỹ, Australia, Canada, Trung Quốc, Indonesia... Sắp tới, chương trình này sẽ được dạy tại Việt Nam.

48 đề thi thử ĐH

Tuy đây là đề năm 2008 nhưng có 1 số câu rất hay…mọi người down về làm để tăng thêm kinh nghiệm nha Big Grin
http://www.mediafire.com/?mdy78egidei969w

GS.Lê Văn Thiêm – những điều mới biết

Giáo sư Lê Văn Thiêm sinh ngày 25/3/1918 tại làng Lạc Thiện, xã Trung Lễ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh trong một gia đình trí thức. Năm 1949, đáp lời kêu gọi của Hồ Chủ Tịch, ông đã từ châu Âu về Việt Nam qua đường Thái Lan. Sau đó ông đi bộ từ Nam Bộ ra Việt Bắc, tham gia xây dựng trường đại học đầu tiên ở chiến khu. Cùng các trí thức khác như Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa,… ông đã xây dựng nền móng cho khoa học Việt Nam. Với sự trợ giúp của GS Hoàng Tụy ông đã góp phần đưa nền Toán học Việt Nam trong thời kỳ 1960-1980 lên một vị trí cao trong khu vực, được cả thế giới biết đến. Tới nay cuộc đời và sự nghiệp của ông đã trở thành một phần của lịch sử phát triển Toán học Việt Nam hiện đại.
Tiếc rằng những hiểu biết về cuộc đời của ông vì nhiều lý do khách quan và chủ quan còn chưa đầy đủ, như ông có bảo vệ luận án tiến sỹ ở Đức năm nào? và có phải là tiến sĩ toán học đầu tiên của Việt Nam? Ông có là học trò của Nevanlinna? Ông có nhận vị trí giảng viên tại Đại học Tổng hợp (ĐHTH) Zürich năm 1949 hay không?… đều chưa có câu trả lời.
Wikipedia bản tiếng Anh viết: Năm 1939, sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp một cách xuất sắc, Lê Văn Thiêm được học bổng sang học tại Trường École Normale Supérieure tại Paris. Việc học tập của ông bị gián đoạn bởi sự bùng nổ Thế chiến II, và chỉ được tiếp tục năm 1941. Ông tốt nghiệp bằng Thạc sỹ Toán học trong vòng 1 năm, trong khi khóa học thông thường kéo dài 3 năm. Dưới sự hướng dẫn của GS Georges Valiron ông bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ tại Đức năm 1945 và sau đó quay lại ĐHTH Zurich để làm việc với tư cách Giáo sư Toán học. Ở đó ông gặp và làm việc với Rolf Nevanlinna một vài năm. Wikipedia tiếng Việt về Lê Văn Thiêm viết: Ông là người Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công luận án tiến sĩ toán học ở Đức năm 1944 về giải tích phức, Luận án Tiến sĩ Quốc gia ở Pháp năm 1948 và cũng là người Việt Nam đầu tiên được mời làm giáo sư toán học và cơ học tại Đại học Tổng hợp Zurich, Thụy Sĩ vào năm 1949.
Lời giới thiệu cuốn sách Các công trình tiêu biểu (Hà Huy Khoái  sưu tầm và tuyển chọn), viết: Năm 1941 Lê Văn Thiêm thi đỗ vào trường École Normale Supérieure… Tốt nghiệp École Normale Supérieure… Lê Văn Thiêm tiếp tục làm luận án tiến sỹ tại Thụy Sĩ rồi luận án tiến sỹ quốc gia tại Pháp. Ông đã từng học với những người thầy giỏi nhất thời đấy như Nevanlinna, Teichmüller, Valiron… Nhờ những kết quả xuất sắc trong nghiên cứu khoa học, năm 1949 Lê Văn Thiêm nhận được một ghế giáo sư tại trường ĐHTH Zürich, Thụy Sĩ.

Bằng Tiến sỹ (trao cho Lê Văn Thiêm từ Lac Thien, Annam
Ta thấy có một số mâu thuẫn trong các thông tin ở trên. Kết hợp các thông tin này chúng ta chỉ có thể đoán rằng Lê Văn Thiêm đã bảo vệ luận án Tiến sỹ tại Đức năm 1944-1945. Tuy nhiên cũng không có các bằng chứng xác thực những điều này. Một số câu hỏi được nhiều người quan tâm từ lâu như: Tại sao ông lại sang Đức?, Ông có bảo vệ luận án tiến sỹ ở Đức hay không?,  Ông có phải là học trò của Nevanlinna hay không?… đều chưa có câu trả lời.
Tháng 12/2008 một hội nghị quốc tế về Hình học phức đã được tổ chức tại trường ĐHSP Hà Nội. Tại hội nghị đã có nhiều nhà giải tích và hình học phức nước ngoài tham dự, trong đó có hai Giáo sư H. Esnault và E. Viehweg đến từ ĐHTH Essen, Đức. Khi làm việc với Viện Toán học, họ rất ngạc nhiên và ấn tượng về cuộc đời và sự nghiệp của GS Lê Văn Thiêm.
Sau khi trở về Đức, hai giáo sư Esnault và Viehweg đã sử dụng mọi quan hệ cá nhân cũng như uy tín của mình để tìm hiểu về GS Lê Văn Thiêm trong thời gian tại Đức. Sau nhiều cố gắng liên hệ với thư viện một số trường đại học của Đức, ngày 23/1/2009 họ đã nhận được Email của TS. U. Hunger từ phòng lưu trữ ĐHTH Göttingen với nội dung sau: Tôi có thể chứng thực rằng Thiem Le Van (hoặc Le Van Thiem) đã bảo vệ luận án Tiến sỹ ở đây (hồ sơ bảo vệ số Math.Nat.Prom. 0728). Tên của luận án là “Về việc xác định kiểu của một diện Riemann mở đơn liên”. Các môn thi nghiên cứu sinh (cùng với tên người chấm thi vấn đáp) bao gồm: Giải tích (Wittich), Đại số (Herglotz), Toán ứng dụng (Kaluza) và Vật lý thực nghiệm (Kopfermann). Phản biện chính của luận án, và cũng là thầy hướng dẫn, là Hans Wittich. Buổi bảo vệ được tổ chức vào ngày 4.4.1945, bằng Tiến sỹ được trao vào ngày 8.4.1946. Điểm đánh giá trung bình: giỏi.

ĐHTH Göttingen nơi Lê Văn Thiêm bảo vệ Luận văn Tiến sĩ
Ngay khi nhận được thông báo từ GS Esnault, chúng tôi đã liên hệ trực tiếp với TS. Hunger để xin bản copy các tư liệu về GS Lê Văn Thiêm. Ông Hunger yêu cầu chúng tôi phải có giấy cho phép đọc tài liệu của GS Lê Văn Thiêm. Rất may là ông Hunger đã chấp nhận thông tin từ Wikipedia tiếng Anh về việc GS Lê Văn Thiêm đã qua đời được hơn 10 năm là thời gian tối thiểu sau đó người lạ có quyền tiếp cận tư liệu. Nhờ các GS Esnault và GS Viehweg đóng lệ phí hộ, chúng tôi đã nhận được tất cả các tài liệu liên quan tới việc bảo vệ của GS Lê Văn Thiêm bao gồm:
- Toàn văn luận án tiến sỹ
- Đơn xin bảo vệ luận án tiến sỹ (ký ngày 29.3.1945)
- Lý lịch tóm tắt (viết tay, ký ngày 24.3.1945)
- Đơn xin tiến hành kỳ thi Tiến sỹ (ký ngày 29.3.1945)
- Nhận xét phản biện (của H. Wittich, ký ngày 31.3.1945)
- Biên bản buổi bảo vệ (bao gồm cả kỳ thi vấn đáp ghi ngày 4.4.1945)
- Bản thống kê các tài liệu liên quan tới việc bảo vệ (ghi ngày cấp bằng là 8.4.1946)
- Bằng Tiến sỹ (trao cho Lê Văn Thiêm từ Lac Thien/Annam.
Khi nhìn thấy bằng tiến sĩ trong đó ghi trao cho Lê Văn Thiêm từ Lac Thien/Annam, trái tim chúng tôi như nghẹn lại. Tên nước Việt Nam lúc đó chưa có và đất nước chúng ta chỉ được thế giới biết đến là 3 miền thuộc địa Tonkin (Bắc bộ), Annam (Trung bộ) và Cochinchina (Nam bộ) của Pháp.
Bản Lý lịch tóm tắt của Lê Văn Thiêm cho chúng ta biết ông đã học các môn Phép tính vi phân và Phương trình vi phân, Vật lý thực nghiệm, Cơ học, Lý thuyết hàm, Giải tích cao cấp và tốt nghiệp Thạc sỹ năm 1943 tại Paris. Sau đó ông đã sang làm luận án Tiến sỹ tại ĐHTH Göttingen với học bổng của Quỹ Alexander von Humboldt. Bản thống kê các tài liệu liên quan tới việc bảo vệ cho chúng ta biết Lê Văn Thiêm đã học 8 học kỳ ở Đại học Paris và 2 học kỳ ở ĐHTH Göttingen. Như vậy có thể nói rằng những câu hỏi về GS Lê Văn Thiêm trong thời gian 1939-1945 đã cơ bản được trả lời. Từ những tài liệu trên chúng ta có thể đưa ra một số kết luận về GS Lê Văn Thiêm trong khoảng thời gian đó như sau.
Lê Văn Thiêm sang Đức năm 1943 ngay sau khi tốt nghiệp thạc sỹ và có lẽ không làm việc hay học tập ở Thụy Sỹ như ta thường nghĩ trước đây. Ông được Quỹ Humboldt (quỹ nghiên cứu khoa học danh tiếng nhất của Đức trước kia cũng như hiện nay) tài trợ và có lẽ là người Việt Nam đầu tiên được học bổng của quỹ này. Trong cơ sở dữ liệu của Quỹ Humboldt thì người Việt Nam đầu tiên được Quỹ tài trợ trong những năm 1950. Chúng tôi đã liên lạc với Quỹ Humboldt để hỏi thông tin về Lê Văn Thiêm tuy nhiên Quỹ không tìm thấy tài liệu nào cả, có lẽ do Quỹ ngừng hoạt động trong thời gian 1945-1953.
GS Lê Văn Thiêm nhận bằng tiến sỹ tại ĐHTH Göttingen, nơi được coi là trung tâm toán học thế giới trước Đại chiến Thế giới lần thứ II. Nhiều nhà toán học hàng đầu thế giới như F. Gauss, G. Dirichlet, R. Dedekind, B. Riemann, F. Klein, D. Hilbert, H. Minkowski, E. Noether, H. Weyl, R. Courant… đã làm giáo sư ở đây và đây cũng là nơi đào tạo ra nhiều nhà toán học nổi tiếng cho thế giới. Chúng ta có thể tự hào là người Việt Nam đầu tiên có bằng tiến sĩ toán lại bảo vệ tại trung tâm toán học nổi tiếng nhất thế giới thời bấy giờ.
Theo thông lệ nước Đức trước kia có thể coi ông Wittich là người hướng dẫn luận án tiến sĩ của Lê Văn Thiêm. Trong Giải tích có Định lý Teichmüller-Wittich về ánh xạ tựa bảo giác rất nổi tiếng. Xem phả hệ các nhà toán học [1] chúng ta thấy ông Wittich làm luận án tiến sĩ với đề tài “Một tiêu chuẩn xác định kiểu các mặt Riemann” (giống vấn đề nghiên cứu luận án của Lê Văn Thiêm) và là “học trò trực hệ” của các nhà toán học nổi tiếng Leibniz, cha con Bernoulli, Euler, Lagrange, Fourier, Dirichlet, Kronecker, Hensel, Hasse (thầy của ông Wittich). Tuy nhiên trong danh mục các học trò của ông Wittich không thấy có tên Lê Văn Thiêm, có thể vì ông Wittich lúc đó mới là trợ lý khoa học của ĐHTH Göttingen. Một điều thú vị là trong số các học trò của ông Wittich ta thấy có ông R. Gorenflo là người đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp của nhiều nhà toán học Việt Nam. Ông Gorenflo là nhà toán học nước ngoài có công trình viết chung với nhiều nhà toán học Việt Nam nhất (15 người) [2] và là người hướng dẫn luận án của GS Đinh Nho Hào, cán bộ Viện Toán học.

Hội Toán học VN – Từ trái sang phải hàng đầu:
GS Hoàng Tụy (thứ 3) GS Nguyễn Thúc Hào(thứ 4)
GS Lê Văn Thiêm (thứ 5) GS Nguyễn Cảnh Toàn (thứ 6)
Ngày bảo vệ của Lê Văn Thiêm chỉ cách 4 ngày trước khi quân Đồng minh chiếm được thành phố Göttingen [3]. Đơn xin bảo vệ của ông gửi cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đức chỉ trước ngày bảo vệ 5 ngày. Điều này nói lên sự hoàn hảo của bộ máy hành chính Đức ngay cả trong lúc chính quyền sắp tan rã. Có cái lạ là tên ông Thiêm không nằm trong danh sách các luận án tiến sĩ toán bảo vệ ở Đức trong các năm 1907-1945 [4]. Theo danh sách này thì không có ai bảo vệ năm 1945 và vì vậy ông Thiêm là người cuối cùng bảo vệ tiến sỹ Toán học ở Đức trong Thế chiến lần thứ II. Ngày cấp bằng tiến sỹ và các giấy tờ liên quan cho thấy có thể ông vẫn ở Đức cho đến năm 1946 (theo một số học trò của ông nói lại thì ông từng kể chuyện ở Berlin khi Hồng Quân Liên Xô chiếm thành phố này). Cho đến nay chưa tìm thấy tư liệu nào về các hoạt động của ông trong thời gian 1945-1946. So sánh nội dung luận án tiến sỹ của Lê Văn Thiêm với nội dung công trình đầu tiên của ông “Một số kết quả về vấn đề kiểu của các mặt Riemann (tiếng Đức)” đăng năm 1947 [5], chúng ta có thể khẳng định rằng công trình này mở rộng nội dung của luận án tiến sỹ. Đây cũng là công trình toán học đầu tiên của một người Việt Nam công bố trên một tạp chí quốc tế. Tìm hiểu kỹ hơn một chút về luận án có thể cho phép ta hiểu rõ thêm về thời kỳ này của GS Lê Văn Thiêm.  Chẳng hạn tại trang 5 của luận án Lê Văn Thiêm có nhắc tới “Dấu hiệu Wittich” với trích dẫn tới công trình của Wittich đăng năm 1939, trong khi đó tại công trình nói trên, mục 6 trang 272, điều này được nêu là “Bổ đề Nevanlinna-Wittich” với trích dẫn tới một công trình của Nevanlinna đăng năm 1940, công trình này không được trích dẫn trong luận án. Từ đây ta có thể dự đoán rằng Lê Văn Thiêm chưa hề gặp Nevanlinna cho tới năm 1945. Theo các tư liệu lịch sử thì Nevanlinna là giáo sư thỉnh giảng tại Göttingen năm 1936/37 và chỉ sang Đức một lần trong Đại chiến thế giới thứ hai vào tháng 4 năm 1943 để bàn với Chính phủ Đức về một số vấn đề quân sự [6]. Lúc đó Lê Văn Thiêm chưa hoặc mới sang Đức. Tuy nhiên, trong tiểu sử tóm tắt của ông Wittich tại cơ sở dữ liệu của Hội Toán học Đức có ghi ông Wittich đã từng là trợ lý khoa học cho Nevanlinna,[7]. Lê Văn Thiêm có lẽ không học với ông Teichmüller vì thời gian này Teichmüller làm nhiệm vụ giải mã cho quân đội Đức ở Berlin, xung phong ra trận đầu năm 1943 và chết cuối năm 1943 [8].
Cũng trong công trình nhắc tới ở trên Lê Văn Thiêm ghi địa chỉ là trường Đại học Zürich và ông cảm ơn Quỹ Jubiläumsstiftung của trường Đại học Zürich về sự hỗ trợ tài chính. Trang cuối của công trình ghi ngày gửi đăng là 2/1947. Vì vậy chúng ta có thể tin rằng Lê Văn Thiêm đã sang Thụy Sỹ trong năm 1946. Đây cũng là năm Nevanlinna nhận chức giáo sư tại Đại học Zürich. Chúng tôi không tìm thấy thông tin nào về Quỹ Jubiläumsstiftung hiện nay để có thể liên lạc tìm hiểu thêm về GS Lê Văn Thiêm. Chúng ta có thể đoán rằng chính ông Wittich là người giới thiệu ông Lê Văn Thiêm sang Thụy Sĩ với Nevanlinna năm 1946.
Sinh thời, GS Lê Văn Thiêm vẫn nói mình là học trò của ông Nevanlinna. Nevanlinna là một nhà toán học Phần Lan nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực Giải tích phức. Ông là Chủ tịch Hội Toán học thế giới nhiệm kỳ 1959-1962. Nevanlinna là một trong những nhà toán học đầu tiên nhìn thấy tầm quan trọng của máy tính và đã cổ súy cho việc dùng máy tính trong các trường đại học ngay từ những năm 50. Vì vậy mà Hội toán học thế giới đã lập ra giải thưởng Nevanlinna, trao 4 năm một lần cho các nhà toán học xuất sắc nhất trong lĩnh vực Tin học lý thuyết.
Tóm lại chúng ta có một số tư liệu nói về GS Lê Văn Thiêm trong thời gian 1943-1945 nhưng lại chưa có nhiều thông tin về thời kỳ 1946-1949. Hiện nay vẫn còn những câu hỏi lớn về GS Lê Văn Thiêm như:
- Ông từ Thụy Sĩ quay lại Pháp khi nào?
- Ông có nhận vị trí giảng viên tại ĐHTH Zürich năm 1949 hay không?
Chúng tôi đã liên hệ với các đồng nghiệp ở ĐHTH Zürich và ĐHBK Zürich để tìm hiểu. Nhưng cho tới nay vẫn chưa tìm thấy một chứng cớ nào cho việc này. Nếu bạn đọc có các thông tin khác về GS Lê Văn Thiêm giai đoạn 1939-1949 xin vui lòng gửi Email về cho các tác giả: phung@math.ac.vn và nvtrung@math.ac.vn.
Cuối cùng chúng tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các GS Hélène Esnault và Eckart Viehweg vì sự giúp đỡ vô cùng quý báu trong việc xin các tư liệu về luận án của GS Lê Văn Thiêm.
———–
Tài liệu trích dẫn
1 http://genealogy.math.ndsu.nodak.edu/id.php?id=45002
2 http://www.fracalmo.org/gorenflo/gor_publications.htm
3 http://www.goest.de/kriegsende.htm
4 https://www.dmv.mathematik.de/m-die-dmv/m-geschichte/m-dissertationen-1907-1945/
5 www.emis.de/misc/articles/lehto.pdf
6 Le-Van, Thiem, Beitrag zum Typenproblem der Riemannschen Flächen,Comment. Math. Helv. 20, 270-287 (1947).
7https://www.dmv.mathematik.de/die-dmv/105-kurzbiogra phien/392-kurzbiographien-w-wi-wy.html
8 http://www-history.mcs.st-andrews.ac.uk/ Biographies/Teichmuller.html.
(Phùng Hồ Hải – Ngô Việt Trung-tiasang)

Giáo sư Lê Văn Thiêm

Lê Văn Thiêm, sinh ngày 25/3/1918 tại Đức Thọ, Hà Tĩnh, Việt Nam (hay người ta còn gọi là Đông Dương), mất ngày 3/7/1991 ở thành phố Hồ Chí Minh. Là sinh viên khoá 1941, Lê Văn Thiêm đã từng học trung học tại trường Quy Nhơn và tốt nghiệp ở Đông Dương.
Lúc đó, trường đại học duy nhất ở Đông Dương được đặt ở Hà Nội và không có chuyên ngành Toán. Ông đã ghi danh và đỗ thứ hai ở kỳ thi năm 1938; được nhận học bổng sang học tại Pháp. Ông chuẩn bị cho kỳ thi tuyển vào Trường Đại học Sư phạm đối với sinh viên nước ngoài và đỗ năm 1941. Tại đây, ông đã học cử nhân ngành Toán. Ở Bizuth (1941-1942), ông sống cùng với Max Fonvieille, Robert Carol, Gérard Debreu và Paul Roussel. Các bạn của ông miêu tả ông như một người đàn ông khiêm tốn và kín đáo, rất ít nói. Tuy nhiên, khu nhà trọ của ông lại rất sôi động và công việc thường xuyên bị gián đoạn bởi sự có mặt của những người khách với những cuộc tranh luận theo nhiều chủ đề khác nhau.


Thiêm cũng tham gia vào tranh luận như những người khác. Một ngày năm 1942, ông đã chỉ ra rằng những người đồng hương của mình, trong đó có các nhà trí thức, các kỹ sư, giáo sư và những người khác đã lần lượt bị tước bỏ chức vị. Vào thời điểm đó, ông đã tác động rất mạnh tới các bạn của mình, những người có nhiều kỷ niệm với giai đoạn này. Một người Đông Dương khác cùng khoá với ông là Trần Đức Thảo, hiện là Giáo sư Triết học ở Việt Nam. Thường có những sinh viên Đông Dương ở ngoài trường đến bàn bạc với Thiêm, nhưng ông không bao giờ nói với các bạn về điều đó.
Ông đã không tham gia kỳ thi cao học và rời trường Sư phạm vào cuối năm 1942 để sống một năm ở Thụy Sĩ và cùng nghiên cứu với Nevanlinna về hàm phân hình. Chính những kết quả mà ông đã thu thập được tại đây có ý nghĩa vô cùng quý báu đối với ông trong cả cuộc đời. Đặc biệt, cũng tại đây ông đã thu thập được chất liệu cho luận án mà ông bảo vệ tại Paris năm 1948 dưới sự hướng dẫn của Georges Valiron, chuyên gia hàng đầu của Pháp ở thời kỳ đó về hàm giải tích của một biến số phức. Luận án của ông đã được bảo vệ tại một hội đồng gồm Arnaud Debjoy làm Chủ tịch, Georges Valiron, Paul Dubreil. Chính tôi cũng làm luận án dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Georges Valiron và bảo vệ tại Đại học Strasbourg, lúc đó đang sơ tán ở Clermont-Ferrand vào năm 1943 với một đề tài hơi khác với chuyên đề nghiên cứu của Giáo sư Valiron. Tuy nhiên, tôi cũng đã bảo vệ luận án tiến sĩ với Giáo sư Valiron. Lê Văn Thiêm đã sang Thụy Sĩ và là giảng viên tại Trường Đại học Bách Khoa Zurich trong vòng một năm.


Năm 1949, ông rời Thụy Sĩ để trở về Việt Nam, khi đó chiến tranh đang diễn ra rất ác liệt. Chuyến đi của ông rất dài và vất vả. Ông đã đi trong điều kiện tương đối bình thường từ Bangkok và sau đó đi bộ xuyên qua các khu rừng rậm ở Nam Bộ (Cochinchine) và cuối cùng theo đường mòn đi lên Việt Bắc, khu tự do ở miền Bắc, đầu não kháng chiến vào thời điểm đó. Ở đó, ông đã gặp nhiều trí thức mà trong số đó phải kể đến Tạ Quang Bửu và Trần Đại Nghĩa. Mối liên hệ giữa ông với hai người này, nhất là với Tạ Quang Bửu, rất bền chặt trong suốt cả cuộc đời. Lúc đó, Việt Nam cũng có được gần như đầy đủ các sách toán, Lê Văn Thiêm đã mang về một bản sao cuốn sách của Courant Hilbert: Phương pháp Toán Lý, mà một người bạn cùng khoá đã cho mượn; cả những cuốn sách ông đã thu lượm được ở Thụy Sĩ và ở Pháp sau đó, nhưng chắc chắn là không nhiều vì ông đã phải trải qua một chuyến đi bộ rất dài. Tạ Quang Bửu cũng đã học ở Pháp mấy năm trước đó, gần cùng thời gian với tôi ở trường Đại học Sư phạm (1934-1937), và chính ông cũng đã mang về Việt Nam, nơi sau này ông giữ vai trò chính trị quan trọng, cuốn sách lớn của Bourbaki: Hình học đại cương. Lê Văn Thiêm, Trần Đại Nghĩa và Tạ Quang Bửu đã cùng nhau cố gắng xây dựng nền khoa học ở miền Bắc Việt Nam, trong một đất nước có tới 95% người mù chữ. Tuy nhiên, ở đó, họ đã thành công.
Đầu năm 1950, Lê Văn Thiêm được giao trọng trách thành lập và làm Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Cơ bản, trong khi ông vẫn đang là Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm (tất nhiên là cả hai trường này đều nằm trong vùng tự do vì cuộc chiến tranh Đông Dương chống Pháp đang quyết liệt). Cả hai trường này đều giữ vai trò rất quan trọng trong việc đào tạo các cán bộ khoa học và kỹ thuật cho đất nước: giúp cho giáo dục đạt đến trình độ phù hợp, mặc dù hoàn toàn bị cô lập nhưng phát triển nhanh chóng về giáo dục và khoa học sau khi chiến tranh kết thúc. Một số lượng lớn các cán bộ khoa học và kỹ thuật của Việt Nam hiện nay đã được đào tạo tại hai trường này. Chính hai trường này đã làm cơ sở để mở lại ngay Đại học Tổng hợp Hà Nội sau Hiệp định Genève năm 1954 với một đội ngũ giảng viên hoàn toàn của Việt Nam. Đó thật sự là một kỳ tích. Vào thời điểm đó, ông được bổ nhiệm là Trưởng khoa Khoa học ở Hà Nội, sau đó vào năm 1959, Phó Hiệu trưởng trường Đại học, Vụ trưởng Vụ Khoa học của Uỷ ban Khoa học Nhà nước. Tiếp theo, ông là người thành lập và Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam, Viện trưởng Viện Toán Hà Nội. Ông cũng là người sáng lập và Tổng biên tập đầu tiên của Tạp chí Toán học và tạp chí Acta Mathematica Vietnamica, xuất bản bằng tiếng nước ngoài, dần dần được phát hành trên toàn thế giới. Dưới sự điều hành của ông, Viện Toán học đã trở thành trung tâm nghiên cứu toán học đầu tiên của đất nước, ở đó bây giờ được gọi là Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ Quốc gia của Việt Nam. Từ năm 1980 cho đến khi qua đời, ông đã làm việc tại cơ sở của Trung tâm quốc gia được đặt tại Tp. Hồ Chí Minh, nơi ông thành lập Trung tâm Toán ứng dụng và Tin học. Đó là một cuộc đời rất có ý nghĩa và hữu ích.
Kể từ năm 1981, ông đã sống phần lớn thời gian tại Tp. Hồ Chí Minh, nơi vợ và hai con của ông đã chuyển đến ở từ nhiều năm trước. Năm 1976, trong chuyến đi của tôi cùng với vợ tới Việt Nam, tôi đã có dịp gặp lại ông. Khi đó trời rất lạnh vì vào tháng giêng, thời tiết luôn xám xịt và ẩm ướt, và vì hình dung sẽ đến một đất nước nhiệt đới trong khi nhà cửa không cần sưởi ấm, chúng tôi đã mang theo rất ít quần áo ấm và chúng tôi đã bị lạnh. Ông đã cung cấp cho chúng tôi các loại quần áo, giầy dép khác nhau, trong đó có cả áo khoác của chính ông.
Kể từ mười lăm năm nay, ông mắc bệnh tiểu đường cộng thêm với bệnh cao huyết áp; ông đã ốm nặng vào năm 1989, phục hồi trở lại rồi đột ngột ra đi chỉ sau hai ngày nhập viện.


Có thể nói rằng hầu hết các nhà toán học Việt Nam đều là học trò hoặc học trò của học trò của ông. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Việt Nam đã không ngừng đào tạo giáo viên và nghiên cứu viên ở trình độ cao nhất, gửi những thanh niên đã qua lựa chọn sang Liên Xô. Điều đó giúp cho Việt Nam còn giữ lại được cho đến ngày nay một trong những trình độ nghiên cứu tốt nhất vùng Viễn Đông, ít nhất là những gì liên quan đến đỉnh cao nghiên cứu. Với trình độ trung bình thì Việt Nam lại bị một số nước được gọi là “những con rồng” như Hồng Kông, Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan vượt qua. Nhưng đối với những đỉnh cao nghiên cứu, Việt Nam luôn đứng ở vị trí hàng đầu. Các nhà toán học Việt Nam tham gia các hội nghị quốc tế, đi ra nước ngoài, đều được các nhà toán học nước ngoài đón tiếp tại nhà và được mời tới giảng dạy tại các đại học quốc tế lớn.


Lê Văn Thiêm không phải là người duy nhất tham dự vào bối cảnh này. Ông đã làm việc chặt chẽ với Trần Đại Nghĩa và Tạ Quang Bửu, tất cả cùng theo một hướng. Tạ Quang Bửu là một trong những nhân vật hàng đầu của Việt Nam; người đã ký Hiệp định Genève và đã từng là Bộ trưởng Bộ Đại học trong một thời gian dài. Tôi biết ông rất rõ, vì ông còn là một nhà toán học và vẫn thường xuyên liên hệ. Hàng sáng, ông thức dậy vào lúc 5 giờ và giải các bài toán theo ý thích từ 5 giờ đến 6 giờ. Mặc dù gánh vác chức Bộ trưởng, nhưng ông vẫn có thể tham gia các hội thảo của các nhà toán học và có những báo cáo hết sức có giá trị. Tất cả những nhà toán học nước ngoài tới thăm đều đã có dịp gặp gỡ và ngưỡng mộ nhân vật này.


Tạ Quang Bửu và Lê Văn Thiêm đã cùng nhau đấu tranh rất vất vả vì tính công minh trong khoa học. Xu hướng tự nhiên lúc đó là dành những vị trí ưu tiên cho con cán bộ, chứ không dựa trên chất lượng khoa học. Lê Văn Thiêm và Tạ Quang Bửu đã đấu tranh không mệt mỏi và hướng cuộc đấu tranh khó khăn này tới việc đề cao chất lượng khoa học. Cả hai người đã phải trải qua những thời kỳ khó khăn. Chính Lê Văn Thiêm đã phải làm một bản tự kiểm điểm công khai về quan điểm “chủ nghĩa nhân tài”. Ông đã phải chịu đựng rất nhiều. Tạ Quang Bửu thì được bảo vệ tốt hơn vì dù sao ông cũng là Bộ trưởng, một chính trị gia, trong khi Lê Văn Thiêm chỉ là một nhà toán học. Tạ Quang Bửu đã không ngừng bảo vệ cho Lê Văn Thiêm. Tất cả những nhà toán học hiện nay của Việt Nam đều giữ sự kính trọng rất lớn đối với hai nhân vật này. Lê Văn Thiêm luôn được những người đồng hương của mình đánh giá là rất khiêm tốn và cao thượng, giống như sự nhận xét của những người bạn cựu sinh viên trường Đại học Sư phạm và cũng là cảm tưởng của tôi về ông. Lê Văn Thiêm và Tạ Quang Bửu, như tôi đã nói nhiều lần, đều được đào tạo ở Pháp, biết tiếng Pháp một cách hoàn hảo, đã đóng góp vào những tiến bộ của khối Pháp ngữ và mối quan hệ giữa Việt Nam và Pháp.
Tất nhiên là công việc nghiên cứu của Lê Văn Thiêm cũng bị chi phối nhiều bởi rất nhiều các trách nhiệm hành chính. Tuy nhiên, ông cũng là tác giả của hai chục công trình nghiên cứu đã được công bố ở Việt Nam và nước ngoài. Ông đã giải quyết được một vấn đề khó, như bài toán ngược về sự phân bổ các giá trị của hàm phân hình, theo hướng của Nevanlinna. Điều đó đã mở ra một hướng nghiên cứu mới trong lý thuyết hàm phân hình của một biến số phức. Ông cũng đã sử dụng phương pháp đối xứng của hàm giải tích để tìm ra cách giải bài toán thâm nhập trong miền không đồng nhất. Ông cũng đã nghiên cứu và ứng dụng lý thuyết hàm giải tích đề giải quyết vấn đề chuyển động của chất lỏng. Kết quả đã được công bố tại Hội nghị Toán học Quốc tế Vancouver năm 1974. Ông cũng đã tham gia vào các vấn đề ứng dụng khác nhau trong xây dựng, thủy lợi, kế hoạch hoá nền kinh tế của đất nước.
Giới khoa học Việt Nam sẽ không bao giờ quên hai hình ảnh lớn về Tạ Quang Bửu và Lê Văn Thiêm. Laurent Schwarts Giáo sư Toán học Pháp (Trích: Giáo sư Lê Văn Thiêm, NXB ĐHQGHN)
gsle-van-thiem-nhung-ieu-moi-biet
http://letuyenspt.blogspot.com/2011/05/gsle-van-thiem-nhung-ieu-moi-biet.html

Trạng toán Vũ Hữu (1437–1530)

Làng Mộ Trạch xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, quê hương của Vũ Hữu.
Vũ Hữu (1437–1530) là một nhà toán học người Việt, và cũng là một danh thần dưới triều đại Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông. Ông còn được coi là nhà toán học đầu tiên của Việt Nam.
Vũ Hữu quê làng Mộ Trạch, huyện Đường An (nay thuộc huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương). Ông là người đỗ tiến sĩ đầu tiên của làng Mộ Trạch dưới triều Lê Sơ, là con thứ ba của cụ Vũ Bá Khiêm, thuộc đời thứ 5 họ Vũ làng Mộ Trạch. Theo sách gia phả họ Vũ ở làng Mộ Trạch ghi lại thì Vũ Hữu sinh năm 1443 (một số tài liệu ghi Vũ Hữu sinh năm 1437).
Năm Quý Mùi (năm 1463) đời vua Lê Thánh Tông, ông đỗ Hoàng giáp khi mới 20 tuổi, ông làm quan đến chức Thượng thư Bộ hộ. Bia khoa Quý Mùi hiện còn ở Văn Miếu Quốc Tử giám Hà Nội, có tên ông.
Thuở nhỏ, ông không được đi học vì nhà nghèo, nhưng sớm có năng khiều đặc biệt về toàn. Khi ông còn bé, dân làng Mộ Trạch muốn sửa sang mới ngôi đình bị dột nát, các bô lão trong làng lúng túng chẳng biết tính toán làm sao để có thể hoàn thành ngôi đinh. Vũ Hữu chỉ cần nhìn qua ngôi đinh, lấy que vạch lên đất tính toán, một lát đã xong. Toán thợ làm y theo cách cậu vẽ, quả nhiên đúng khớp cả. Mọi người ngạc nhiên, cho Vũ Hữu là thần đồng. Từ đó họ góp tiền nuôi cậu ăn học.
Tuy là nhà nho, nhưng Vũ Hũu lại khác người. Ông đặc biệt say mê môn toán pháp. Ông ra sức vận động đưa toán học vào việc thi cử nhưng không được nhà vua chấp thuận.
Đời vua Lê Thánh Tông, ở kinh đô Thăng Long, các cửa Đoan Môn, Đại Hương, Đông Hoà của kinh thành xây từ đời Lý, bị sụt nở quá nhiều. Triều đình nghị bàn tu sửa lại. Vua sai Vũ Hữu trù tính nguyên vật Liệu và nhân công cần thiết. Ông đến từng cửa thành, đo đạc chiều cao thấp, rộng hẹp, lập phép tính mọi thứ cần thiết, đôn đốc thi công. Tu sửa xong, số nguyên vật liệu, nhân công mà ông trù tính coi như vừa đủ. Mọi người đều phục tài. Nhà vua khen tài tính toán của ông, thưởng cho 100 mẫu ruộng ở tào vệ Nam Xương, phong ông là Trạng toán.

Thời vua Lê Thánh Tông, mấy cửa thành Thăng Long (xây từ thời Lý) đã bị hỏng nhiểu. Nhà vua quyết định giao cho một số viên đại thần tính toán nguyên vật liệu để xây lại. Mấy vị này đã đo đạc, tính toán hàng tháng mà vẫn chưa đi đến nhất trí để xây thành. Nghe đồn có Khâm hình viện lang trung (Chức quan trong triều của Vũ Hữu – tương đương chức Vụ trưởng, thứ trưởng ngày nay, chuyên coi về hình luật, xét xử) có biệt tài đo đạc, tính toán, nhà vua liền giao cho công việc tính số gạch cần xây.

Vũ Hữu tuân lệnh. Sau khi ông quan sát các cửa thành, ông về tâu vua:
- Tâu bệ hạ, thần đã xem xét kỹ cửa Đông Hoa, thấy hỏng nhiều hơn cả. Cửa đó lại lớn nhất, xây dựng khó hơn, vậy xin bệ hạ cho sửa cửa này trước.
Ý kiến đề xuất của Vũ Hữu được chấp nhận và nhà vua ra lệnh cho ông phải tiến hành thật khẩn trương, không được dềnh dang như mấy viên đại thần trước.
Ngay tối hôm đó, Vũ Hữu đã tranh thủ thắp đèn đo đạc, tính toán nơi cửa Đông Hoa suốt đêm. Sáng hôm sau vào triều, ông trình lên nhà vua cùng văn võ bá quan, số lượng gạch cần thiết để sửa chữa cổng thành.
Mấy viên đại thần được giao nhiệm vụ trước đó – thấy Vũ Hữu tính số gạch sai lệch với họ quá nhiều – vừa bẽ mặt, vừa tức tối, lại ỷ thế mình là cận thần, bèn ton hót với vua:
- Xin bệ hạ chớ vội tin vào lời quan Lang Trung, không thì sẽ hỏng việc hệ trọng.
Một người khác lại phụ hoạ thêm:
- Xin bệ hạ ra lệnh cho quan Lang trung nếu tính thừa, thiếu 3 viên gạch thì phải trị tội!
Vua Lê Thánh Tông nhìn Vũ Hữu hỏi:
- Nhà ngươi thấy ý kiến đình thần đề xuất thế nào? Giữ thái độ thản nhiên, Vũ Hữu đáp:
- Tâu bệ hạ, thần xin lĩnh ý ạ!
Đúng ngày khởi công,các quan đã kéo đến túc trực trước cửa thành Đông Hoa đông đủ. Mấy viên đại thần sợ Vũ Hữu tranh mất công, muốn vin vào Bộ luật Hồng Đức để trị ông đã cho chuẩn bị sẵn nơi xử tội “lừa dối vua” của Vũ Hữu.
Khi xa giá vua Lê Thánh Tông đến, thì hồi trống khởi công sửa chữa cổng thành Đông Hoa cũng vang lên. Vũ Hữu đưa mắt nhìn đống gạch xếp vuông vức, có đánh dấu trước, thì thấy thiếu một viên. Ông liền tâu để vua biết và cuối cùng đã phát hiện được viên gạch bị giấu đi chỗ khác.
Vũ Hữu đích thân đứng theo dõi, đốc thúc đám thợ lành nghề làm việc. Chẳng bao lâu cổng thành đã được xây xong, số gạch còn thừa lại một viên.
Vua Lê Thánh Tông rất hài lòng. Nhưng mấy viên đại thần càng thêm tức tối, la lên:
- Quan Lang Trung, ngài tính toán rất tài, thế mà vẫn thừa một viên!
Vũ Hữu, cũng với giọng rất khiêm tốn, bình thản thưa:
- Xin các đại quan hãy thư thả, viên gạch đó tôi đã tính trước,dùng để thay viên gạch vỡ ở tường thành phía tây, gần cửa Đông Hoa.
Nói xong, ông chỉ cho thợ đục viên gạch vỡ và thay bằng viên gạch thừa, sít sao một cách kỳ lạ!
Vua Lê Thánh Tông ban chiếu khen thưởng ông và tín nhiệm giao cho ông tính toán sửa chữa các cửa thành hư hỏng còn lại.
Ông hệ thống hoá những thành tựu về hình học và số học đương thời, viết thành quyển Lập thànhtoán Pháp chỉ dẫn cách chia cụ thể và chính xác về cách chia ruộng đất, xây dựng nhà cửa, thành luỹ …Các phép đo ruộng đất được tính theo đơn vị mẫu, sào, thước (24 mét vuông) và tấc (1/10 thước). Đây là quyển sách toán học cổ nhất nước ta, nay không còn.
Tuy làm quan, nhưng Vũ Hữu luôn giữ mình trong sạch, thanh liêm, cứng cỏi, cuộc sống gia đình cần kiệm. Ngày ông đỗ Hoàng giáp, theo hương ước của làng Mộ Trạch quy định : Hễ ai đỗ đại khoa, dân làng góp tiền mừng con lợn, người đỗ đạt phải khao làng một con trâu. Nhà nghèo, Vũ Hữu buộc phải mua trâu để khao làng mà không có tiền để mua trâu cày cho gia đình. Bài thơ tự thuật của ông có câu :
Nhậm nhiệm chu niên quan lịch tiến
Tể ngưu thường hữu, phạp ngưu canh
Nghĩa là :
Nhận nhiệm nhiều năm quan thường tiến
Trâu khao thì có, chẳng trâu cày
Vũ Hữu làm quan qua 7 đời vua triều Lê sơ : Lê Thánh Tông (1460-1497) ; Lê Hiển Tông (1497-1504) ; Lê Duệ Tông (1504-1505) ; Lê Uy Mục (1505-1510) ; Lê Tương Dục (1510-1516) ; Lê Chiêu Tông (1516-1522) ; Lê Cung Hoàng (1522-1527). Ông có 5 con và cháu ruột đỗ tiến sĩ, cùng được khắc tên ở Văn miếu Mao Điền (Hải Dương) và Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội).
Ngoài 70 tuổi, ông cáo quan xin về hưu, làm nhà đặt tên là Phượng Tri am. Ông được tặng phong là Thái bảo. Năm 1527, vua Lê Cung Hoàng tin nhiệm ông làm Nguyên lão đại thần, cử ông cùng với Phan Đình Tá mang cờ tiết, kim sách, mũ áo thêu rồng đen, dát đai ngọc, kiệu tía đến Cổ Trai tấn phong tước vương cho Mạc Đăng Dung.
Khi nhà Mạc thay ngôi vua nhà Lê, ông vẫn được triều đình vời làm quan. Năm Canh Dậu (năm 1530) ông mất, thọ 93 tuổi.
Vũ Hữu không chỉ là một danh sĩ mà còn là nhà toán học tài giỏi dưới triều Lê, được lưu danh sử sách.
Ông được thờ tại nhà thờ Hiển Đức Đường , phần mộ còn tại xứ Mả Miễu (Mộ Trạch).       (sưu tầm)

Lương Thế Vinh (1442–1496)

Tiểu sử
Lương Thế Vinh sinh ngày 1 tháng 8 năm 1441(Tân Dậu) tại làng Cao Hương, huyện Thiên Bản, trấn Sơn Nam (nay là thôn Cao Phương, xã Liên Bảo, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định). Từ nhỏ Lương Thế Vinh đã nổi tiếng về khả năng học mau thuộc, nhanh hiểu, và khả năng sáng tạo trong các trò chơi như đá bóng, thả diều, câu cá, bẫy chim.
Năm 1463, Lương Thế Vinh đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ nhất danh (trạng nguyên) khoa Quý Mùi niên hiệu Quang Thuận thứ 4, đời Lê Thánh Tông.
Vua Lê Thánh Tông ban tặng Cờ hoa Tam Khôi cho ba vị đỗ đầu:
Trạng nguyên Lương Thế Vinh
Bảng nhãn Nguyễn Đức Trinh
Thám hoa Quách Đình Bảo
Thiên hạ cộng tri danh – (Thiên hạ đều biết tên)
Các năm sau đó, ông làm quan với các chức Trực học sĩ, Thị thư và Chưởng viện sự ở viện Hàn lâm.
Khi ông qua đời, Vua Lê Thánh Tông rất mực thương tiếc và viết một bài thơ khóc Trạng.
Chiếu thư thượng đế xuống đêm qua
Gióng khách chương đài kiếp tại nhà
Cẩm tú mấy hàng về động ngọc
Thánh hiền ba chén ướt hồn hoa
Khí thiên đã lại thu sơn nhạc
Danh lạ còn truyền để quốc gia
Khuất ngón tay than tài cái thế
Lấy ai làm Trạng nước Nam ta
Giai thoại
không phải như thế
Về sự sáng tạo của Lương Thế Vinh hồi nhỏ, có giai thoại kể rằng một lần trong lúc đang chơi bóng với các bạn, quả bóng lăn xuống một hố hẹp và sâu, tưởng như không lấy lên được. Lương Thế Vinh đã nghĩ ra cách lấy bóng lên bằng việc đổ nước vào hố và lợi dụng việc bóng nổi trên nước để lấy lại quả bóng.
Về phong cách học tập của Lương Thế Vinh, có giai thoại so sánh ông với Quách Đình Bảo cũng là người nổi tiếng về thông minh, học giỏi ở vùng Sơn Nam (Ngày nay thuộc Thái Bình và Nam Định). Khi sắp đến kỳ thi của triều đình, Quách Đình Bảo thì ngày đêm dùi mài kinh sử quên ngủ, quên ăn; còn Vinh thì thư giãn, thả diều cùng bạn bè. Kì thi đó Quách Đình Bảo đỗ đầu nhưng đến khoa thi Đình (kì thi Quốc gia) Quý Mùi năm Quang Thuận thứ tư, đời vua Lê Thánh Tông (1463) Lương Thế Vinh đỗ trạng nguyên (đỗ đầu), Quách Đình Bảo chỉ đỗ thám hoa (đỗ thứ 3).
Sự sáng tạo khoa học của Lương Thế Vinh được truyền khẩu qua câu chuyện ông tiếp đón sứ nhà Minh là Chu Hy. Hy đã nghe nói về Lương Thế Vinh, không những nổi tiếng về văn chương âm nhạc, mà còn tinh thông toán học, nên thách đố Vinh cân một con voi. Lương Thế Vinh đưa voi lên một chiếc thuyền rồi đánh dấu mép nước bên thuyền, sau đó dắt voi lên. Tiếp theo, ông ra lệnh đổ đá hộc xuống thuyền, cho đến lúc thuyền chìm xuống đến đúng dấu cũ. Việc còn lại là đưa từng viên đá lên cân và cộng kết quả. Chu Hy thán phục ông nhưng tiếp tục đố ông đo bề dày của một tờ giấy xé ra từ một quyển sách. Khi nghe ông nói chỉ cần đo bề dày cả cuốn sách rồi chia đều cho số tờ là ra ngay kết quả, Chu Hy ngửa mặt lên trời than: “Nước Nam quả có lắm người tài!”. Lương Thế Vinh đáp lại rằng người nghĩ ra cách cân voi thật sự là Tào Xung, con của Tào Tháo. Điều này càng khiến cho sứ giả hổ thẹn vì chưa thuộc sử nước nhà.
Lương Thế Vinh cũng được gắn với một vài giai thoại với vua quan nhà Lê. Các giai thoại này cho thấy ông ứng đáp thông minh với vua, có các lời khuyên hợp lý cho vua và răn dạy các quan dưới cấp bỏ thói hách dịch nhân dân.
Tác phẩm
Về toán học, Lương Thế Vinh đã để lại
Đại thành Toán pháp
Khải minh Toán học
Về lịch sử hát chèo:
Hỷ phường Phổ lục
Về Phật học:
Thiền môn Khoa giáo (còn gọi là Thích điển Giáo khoa)
Bài tựa sách Nam Tông Tự Pháp Đồ (sách lịch sử đạo Phật Việt Nam do thiền sư Thường Chiếu, tịch năm 1203, viết ra)
Lương Thế Vinh nổi tiếng với tài năng toán học. Quyển Đại thành toán pháp của ông được đưa vào chương trình thi cử suốt 450 năm trong lịch sử giáo dục Việt Nam. Ông cũng được xem là người chế ra bàn tính gẩy cho người Việt, lúc đầu làm bằng đất rồi bằng trúc, bằng gỗ, sơn mầu khác nhau, đẹp và dễ tính, dễ nhớ. Các chuyện truyền miệng dân gian còn cho biết tài năng của ông được thể hiện từ khi nhỏ tuổi. Ông được nhân dân gọi tên là Trạng Lường sau khi đỗ trạng nguyên.
Ngoài công việc hàn lâm trong triều, Lương Thế Vinh còn được vua giao việc thảo những văn thư ngoại giao với nhà Minh. Triều Minh thường khen ngợi những văn thư ngoại giao này.
Dù là một nhà nho lỗi lạc, Lương Thế Vinh cũng sáng tác văn Nôm. Ông được cho là tác giả của Thập giới Cô hồn Quốc ngữ văn, còn gọi là Phật kinh Thập giới. Đây là áng văn Nôm cổ gồm đoạn mở đầu và 10 đoạn nói về 10 giới cô hồn: Thiền tăng, đạo sĩ, quan liêu, nho sĩ, thiên văn-địa lý, lương y, tướng quân, hoa nương, thương cổ và đãng tử. Mỗi đoạn có một bài tán và kết thúc bằng bài kệ 8 câu. Vì sáng tác Phật kinh Thập giới, Lương Thế Vinh bị các bạn đồng nghiệp chê và ông không được ghi tên trong văn miếu Khổng Tử.
Tuy nhiên, Nhất Hạnh cho rằng Lương Thế Vinh không viết bài này vì bài kệ của đoạn về Thiền tăng có giọng đùa bỡn, không phù hợp với một người có nhiều cảm tình với Phật giáo như Lương Thế Vinh. Theo Lê Mạnh Thát, Thập giới cô hồn văn là một tác phẩm của vua Lê Thánh Tông (1442 – 1497).
Lương Thế Vinh cũng quan tâm nghiên cứu về âm nhạc dân gian, như hát chèo. Ông được vua Lê Thánh Tông giao cho cùng Thân Nhân Trung và Đỗ Nhuận chế định ra các lễ nhạc của triều đình.
Lương Thế Vinh được nhận định là có tính cách bình dị, mến dân, trung thực và khả năng châm biếm khôi hài trong việc răn dạy từ vua đến quan.

Giai thoại về Lương Thế Vinh

1- Trái bưởi – Sức đẩy Archimède

Hôm đó, cậu đem một trái bưởi ra bãi tha ma (chỗ bạn bè thả trâu) làm quả bóng để các bạn cùng chơi. Bỗng quả bưởi lăn xuống một trong những cái hố bên mép bãi người ta đào để ngăn trâu bò khỏi phá lúa. Cái hố rất hẹp lại rất sâu không xuống mà cũng không với tay lấy lên được. Bọn trẻ tưởng thế là mất đồ chơi. NhưngLương Thế Vinh nghĩ một lát, rồi mới hớn hở rủ bạn đi mượn vài chiếc gầu giai đi múc nước đổ xuống hố. Bọn trẻ không hiểu Vinh làm thế để làm gì. Nhưng lát sau thấy Vinh cúi xuống cầm quả bưởi lên, chúng rất sửng sốt phục tài Vinh.
Từ đó trẻ con trong làng truyền nhau rằng Lương Thế Vinh là thần, có một câu “thần chú” hay lắm, có thể gọi được những vật vô tri như quả bưởi lại với mình.
Thực ra thì Vinh trèo cây hái bưởi bên bờ ao, sẩy tay cậu làm rơi quả bưởi xuống nước tưởng mất. Nhưng khi nhìn thấy bưởi nổi trên mặt ao, Vinh đã lấy cành tre khều vào và đem ra bãi chơi. Lúc quả bưởi lăn xuống hố, cậu đã chợt nhớ lại và nghĩ ra cách lấy nước đổ xuống cho bưởi nổi lên. Vốn thích thơ ca, hò, vè nên trong khi cúi xuống chờ bưởi, cậu vui miệng đọc lẩm nhẩm:
Bưởi ơi bưởi
Nghe tao gọi
Lên đi nào
Đừng quên lối
Đừng bỏ tao…

Và bọn trẻ cứ nghĩ rằng Vinh đọc “thần chú”.

2) Phương pháp học của ông

Lương Thế Vinh là người biết kết hợp rất khéo giữa chơi và học, nên từ nhỏ Vinh học rất thoải mái và lại đạt kết quả cao.
Vinh học đến đâu, hiểu đến đấy, học một mà biết mười. Khi đã ngồi học thì tập trung tư tưởng rất cao, luôn muốn thực nghiệm những điều đã học vào đời sống. Trong khi vui chơi như câu cá, thả diều, bẫy chim, Vinh luôn kết hợp với việc học. Lúc thả diều, Vinh rung dây diều để tính toán, ước lượng chiều dài, chiều cao. Khi câu cá, Vinh tìm hiểu đời sống các sinh vật, ước tính đo lường chiều sâu ao hồ, chiều rộng sông ngòi… và kiểm tra lại bằng thực nghiệm. Vinh nghĩ ra cách đo bóng cây mà suy ra chiều dài của cây.
Người đời còn truyền lại câu chuyện sau đây:
Dạo đó, Lương Thế Vinh và Quách Đình Bảo là hai người nổi tiếng vùng Sơn Nam (Thái Bình- Nam Định bây giờ) về thông minh, học giỏi. Một hôm, sắp đến kỳ thi, Lương Thế Vinh tìm sang làng Phúc Khê bên Sơn Nam hạ để thăm Quách Đình Bảo, toan bàn chuyện cùng lên kinh ứng thí.
Đến làng, Vinh ghé một quán nước nghỉ chân. Tại đây Vinh nghe người ta nói là Quách Đình Bảo đang ngày đêm dùi mài kinh sử quên ngủ, quên ăn. Chắc chắn kỳ này Bảo phải đứng đầu bảng vàng. Vinh cười nói:
- Kỳ thi đến nơi mà còn chúi đầu vào quyển sách, cố tụng niệm thêm vài chữ. Vậy cũng gọi là biết học ư? Ta có đến thăm cũng chẳng có gì để bàn bạc – Vinh nói thế rồi bỏ ra về.
Quách Đình Bảo nghe được chuyện trên, gật gù:
- Người đó hẳn là Lương Thế Vinh, ta phải đi tìm mới được!
Thế là Bảo chuẩn bị khăn gói, tìm đến Cao Hương thăm Vinh. Chắc mẩm đến nhà sẽ gặp ngay Vinh đang đọc sách, nhưng Vinh đi vắng, người nhà bảo Vinh đang chơi ngoài bãi.
Quách Đình Bảo ra bãi tìm, quả thấy Vinh đang thả diều, chạy chơi cùng bạn bè, rất ung dung thư thái. Bảo phục lắm tự nói với mình: “Người này khôi ngô tuấn tú, phong thái ung dung, ta có học mấy cũng không thể theo kịp”.
Quả nhiên sau đó, khoa Quý Mùi năm Quang Thuận thứ tư, đời vua Lê Thánh Tông (1463) Lương Thế Vinh đỗ Trạng nguyên (đỗ đầu), Quách Đình Bảo đỗ Thám hoa (đỗ thứ 3). Năm ấy Lương Thế Vinh mới hăm hai tuổi.

3) Cách cân voi  và đo bề dày tờ giấy

Ngày xưa, vua quan Trung Quốc thường cậy thế nước lớn, coi thường nước ta, cho nước ta là man di, mọi rợ. Về tinh thần bất khuất của cha ông ta thì chúng đã được nhiều bài học. Nhưng về mặt khoa học thì chúng chưa phục lắm.
Một lần sứ nhà Thanh là Chu Hy sang nước ta, vua Thánh Tông sai Lương Thế Vinh ra tiếp. Hy nghe đồn Lương Thế Vinh không những nổi tiếng về văn chương âm nhạc, mà còn tinh thông cả toán học nên mới hỏi:
- Có phải ông làm sách Đại thành toán pháp, định thước đo ruộng đất, chế ra bàn tính của nước Nam đó không?
Lương Thế Vinh đáp:
- Dạ, đúng thế!
Nhân có con voi rất to đang kéo gỗ trên sông, Chu Hy bảo:
- Trạng thử cân xem con voi kia nặng bao nhiêu!
- Xin vâng!
Dứt lời, Vinh xăm xăm cầm cân đi cân voi.
- Tôi xem chiếc cân của ông hơi nhỏ so với con voi đấy! – Hy cười nói.
- Thì chia nhỏ voi ra! Vinh thản nhiên trả lời!
- Ông định mổ thịt voi à? Cho tôi xin một miếng gan nhé!
Lương Thế Vinh tỉnh khô không đáp. Đến bến sông, trạng chỉ chiếc thuyền bỏ không, sai lính dắt voi xuống. Thuyền đang nổi, do voi nặng nên đầm sâu xuống. Lương Thế Vinh cho lính lội xuống đánh dấu mép nước bên thuyền rồi dắt voi lên. Kế đó trạng ra lệnh đổ đá hộc xuống thuyền, thuyền lại đầm xuống dần cho tới đúng dấu cũ thì ngưng đổ đá.
Thế rồi trạng bắc cân lên cân đá. Trạng cho bảo sứ nhà Thanh:
- Ông ra mà xem cân voi!
Sứ Tàu trông thấy cả sợ, nhưng vẫn tỏ ra bình tĩnh coi thường. Khi xong việc, Hy nói:
- Ông thật là giỏi! Tiếng đồn quả không ngoa! Ông đã cân được voi to, vậy ông có thể đo được tờ giấy này dày bao nhiêu không?
Sứ nói rồi xé một tờ giấy bản rất mỏng từ một cuốn sách dày đưa cho Lương Thế Vinh, Hy lại đưa luôn một chiếc thước.
Giấy thì mỏng mà li chia ở thước lại quá thô, Vinh nghĩ giây lát rồi nói:
- Ngài cho tôi mượn cuốn sách!
- Sứ đưa ngay sách cho Lương Thế Vinh với vẻ không tin tưởng lắm.
Lương Thế Vinh lấy thước đo cuốn sách, tính nhẩm một lát rồi nói bề dày tờ giấy.
Kết quả rất khớp với con số đã viết sẵn ở nhà. Nhưng sứ chưa tin tài Lương Thế Vinh, cho là ông đoán mò. Khi nghe Vinh nói việc đo này rất dễ, chỉ cần đo bề dày cả cuốn sách rồi chia đều cho số tờ là ra ngay kết quả thì sứ ngửa mặt lên trời than: “Danh đồn quả không sai. Nước Nam quả có lắm người tài!”
Lương Thế Vinh quả là kỳ tài! Ông nghĩ ra cách cân đo tài tình ngay cả trong lúc bất ngờ, cần ứng phó nhanh chóng. Gặp vật to thì ông chia nhỏ, gặp vật nhỏ thì ông gộp lại. Phải chăng ý tưởng của Lương Thế Vinh chính là mầm mống của phép tính vi phân (chia nhỏ) và tích phân (gộp lại) mà ngày nay là những công cụ không thể thiếu được của toán học hiện đại.

4) Với vua Lê Thánh tông:


a) Một cách khen vua

Lương Thế Vinh thuở bé nghịch ngợm nổi tiếng. Ông hay tắm sông hồ thành thử bơi lội rất giỏi. Lê Thánh Tông biết rõ chuyện ấy, nên một hôm đi chơi thuyền có Lương Thế Vinh và các quan theo hầu, Vua liền giả vờ say rượu ẩy Vinh rơi tòm xuống sông, rồi cứ cho tiếp tục chèo thuyền đi.
Không ngờ Lương Thế Vinh rơi xuống, liền lặn một hơi đi thật xa, rồi đến một chỗ vắng lên bờ ngồi núp vào một bụi rậm chẳng ai trông thấy. Lê Thánh Tông chờ mãi không thấy Vinh trồi đầu lên, bấy giờ mới hoảng hồn, vội cho quân lính nhảy xuống tìm vớt, nhưng tìm mãi cũng chẳng thấy đâu. Vua hết sức ân hận vì lối chơi đùa quá quắt của mình, chỉ muốn khóc, thì tự nhiên thấy Vinh từ dưới nước ngóc đầu lên lắc đầu cười ngất. Khi lên thuyền rồi, Vinh vẫn còn cười. Thánh Tông ngạc nhiên hỏi mãi, cuối cùng Vinh mới tâu:
“Thần ở dưới nước lâu là vì gặp phải một việc kỳ lạ và thú vị. Thần gặp cụ Khuất Nguyên, cụ hỏi thần xuống làm gì?. Thần thưa dối là thần chán đời muốn chết. Nghe qua, cụ Khuất Nguyên tròn xoe mắt, mắng thần: “Mày là thằng điên!. Tao gặp Sở Hoài Vương và Khoảng Tương Vương hôn quân vô đạo, mới dám bỏ nước bỏ dân trầm mình ở sông Mịch La. Chứ mày đã gặp được bậc thánh quân minh đế, sao còn định vớ vẩn cái gì?”. Thế rồi cụ đá thần một cái, thần mới về đây!”.
Lê Thánh Tông nghe xong biết là Lương Thế Vinh nịnh khéo mình, nhưng cũng rất hài lòng, thưởng cho Vinh rất nhiều vàng lụa.

b) Ứng đáp với vua


Vua Lê Thánh Tông đi kinh lý vùng Sơn Nam hạ, ghé thăm làng Cao Hương, huyện Vụ Bản, quê hương của Trạng Nguyên Lương Thế Vinh, lúc bấy giờ cũng đang theo  hầu Vua.
Hôm sau vua đến thăm chùa làng. Khi ấy, sư cụ đang bận tụng kinh. Bỗng sư cụ đánh rơi chiếc quạt xuống đất. Vẫn tiếp tục tụng, sư cụ lấy tay ra hiệu cho chú tiểu cúi xuống nhặt, nhưng một vị quan tùy tòng của Lê Thánh Tông đã nhanh tay nhặt cho sư cụ. Vua Lê Thánh Tông trông thấy vậy, liền nghĩ ra một vế đối, trong bữa tiệc hôm đó đã thách các quan đối.
Vế ấy như sau:
Ðường thượng tụng kinh sư sử sứ…
Nghĩa là: Trên bục tụng kinh sư khiến sứ ( nhà sư sai khiến được quan)
Câu nói này oái ăm ở ba chữ sư sử. Các quan đều chịu chẳng ai nghĩ ra câu gì.
Trạng nguyên Lương Thế Vinh cứ để họ suy nghĩ chán chê. Ông ung dung ngồi uống rượu chẳng nói năng gì. Vua Lê Thánh Tông quay lại bảo đích danh ông phải đối , với hy vọng đưa ông đến chỗ chịu bí. Nhưng ông chỉ cười trừ.
Một lúc ông cho lính hầu chạy ngay về nhà mời vợ đến . Bà trạng đến, ông lấy cớ quá say xin phép vua cho vợ dìu mình về.
Thấy Vinh là một tay có tài ứng đối mà hôm nay cũng đành phải đánh bài chuồn, nhà vua lấy làm đắc ý lắm, liền giục:
” Thế nào? Ðối được hay không thì phải nói đã rồi hẵng về chứ?”
Vinh  gãi đầu gãi tai  rồi  chắp tay ngập ngừng:
Dạ… muôn tâu, Thần đối rồi đấy ạ!
Vua và các quan lấy làm lạ bảo Vinh thử đọc xem. Vinh cứ một mực:” Ðối rồi đấy chứ ạ!” hoài. Sau nhà vua gạn mãi, Vinh mới chỉ tay vào người vợ đang dìu mình, mà đọc rằng:
Ðình tiền túy tửu, phụ phù phu.
Nghĩa là: Trước sân say rượu, vợ dìu chồng.
Nhà vua cười và thưởng cho rất hậu.

c) Lời tiên đoán

Một hôm, lúc chầu trong triều, vua hớn hở nói với Vinh:
- Trẫm có nhiều con trai, việc thiên hạ không việc gì phải lo ngại nữa!
Lương Thế Vinh tâu:
- Lắm con trai là lắm giặc. Không lo sao được!
Vua lấy làm lạ hỏi:
- Ta không rõ sao lại thế?
Trạng tâu không úp mở:
- Ngôi báu chỉ có một. Bệ hạ có nhiều con trai càng có nhiều sự tranh giành ngôi báu. Như vậy phải lo lắm chứ!
Đúng như lời tiên đoán của ông. Sau đó con cháu nhà vua tranh giành ngôi thứ, chém giết lẫn nhau,  làm cho triều chính đổ nát, trăm họ lầm than. Chỉ ba chục năm sau khi Thánh Tông mất, Mạc Đăng Dung đã nhân cơ hội mà cướp ngôi nhà Lê.

5)  Răn dạy các quan

Lương Thế Vinh rất ghét những viên quan hống hách, hà hiếp nhân dân. Ông có nhiều học trò giỏi đỗ cao, làm quan lớn. Với học trò nào ông cũng dạy về lòng yêu dân, đức khiêm tốn. Có lần, một viên quan huyện hách dịch đã bị ông cho một bài học, làm trò cười cho thiên hạ.
Bữa ấy, ông đi thăm bạn bè, ngồi nghỉ chân ở quán nước bên đường. Bỗng thấy một đoàn rước quan huyện đi qua. Dân trong vùng đều biết viên quan này thường hay bắt người dọc đường khiêng cáng, bèn bảo nhau trốn chạy cả. Vì không biết lệ đó nên ông cứ ung dung ngồi nghỉ đến khi tên lính hầu của quan huyện bắt ra khiêng cáng.
Lương Thế Vinh khúm núm bước lại ghé vai khiêng cáng. Khi cáng quan đi đến chỗ bùn lội, ông làm như vô tình trượt chân văng cáng, hất quan huyện ngã chỏng gọng giữa vũng, áo, mũ, cân đai bê bết bùn.
Quan huyện đỏ tím mặt mày vì giận, đang toan định đổ cơn thịnh nộ lên đầu kẻ hầu hạ mình thì trạng vẫy người đi đường, nói lớn:
- Bác gọi hộ anh học trò tôi là thám hoa Văn Cát ra khiêng hầu võng quan huyện thay thầy.
Quan huyện xanh xám mặt mày, cuống quýt quỳ mọp xuống bùn lạy như bổ củi, xin quan trạng tha tội cho.
Lương Thế Vinh nhẹ nhàng lấy lời răn dạy, từ đó viên quan huyện chừa thói hống hách với dân.
( theo http://vietsciences.free.fr)

Hoàng Tụy (1927-….)

Tiểu sử 

Ông sinh ngày 17 tháng 12 năm 1927 tại Xuân Đài, Điện Bàn, Quảng Nam, là cháu nội của cụ Hoàng Văn Bảng, đỗ Cử nhân và từng giữ chức Án sát sứ nhiều tỉnh như: Quảng Ngãi, Quảng Bình, Quảng Nam, Hà Tĩnh. Cụ chính là em ruột của Tổng đốc Hà Nội Hoàng Diệu[1]. Thân phụ của ông là ông Hoàng Kỵ, từng làm quan dưới thời Duy Tân, Khải Định, được thăng chức Thị Giảng học sĩ. Các anh em ông có 7 người đỗ đạt thì 5 người làm giáo sư đại học như Hoàng Phê (ngôn ngữ học), Hoàng Quý (vật lý), Hoàng Kiệt (mỹ thuật), Hoàng Tụy và Hoàng Chúng (toán học)…

Tuy vậy, năm ông lên bốn tuổi thì thân phụ quan đời. Thân phụ làm quan thanh liêm, nên gia đình túng bấn lại đông anh em nên tuổi thơ của ông rất vất vả, tuy nhiên đều giữ nếp nhà trong việc học hành. Giỏi văn học Pháp, nhưng ngay từ thời trung học, Hoàng Tụy đã bộc lộ thiên hướng toán học. “Nhảy cóc” hai lớp, là thí sinh tự do, tháng 5 năm 1946, ông đỗ kỳ thi tú tài phần một và bốn tháng sau đó, đỗ đầu tú tài toàn phần ban toán tại Huế. Ông theo học Đại học Khoa học ở Hà Nội nhưng bỏ dở. Sau đó ông được mời dạy toán tại trường trung học Lê Khiết ở Liên khu V.
  • Năm 1951, ông theo học Trường khoa học cơ bản do Lê Văn Thiêm phụ trách.
  • Năm 1954, Hoàng Tụy bắt đầu dạy toán tại trường Đại học Khoa học, sau là Đại học Tổng hợp Hà Nội.
  • Tháng 3 năm 1959, Hoàng Tụy trở thành một trong hai người Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ khoa học toán – lý tại Đại học Lomonosov tại Moskva.
  • Từ năm 1961 đến 1968 ông là Chủ nhiệm Khoa Toán của Đại học Tổng hợp Hà Nội; là Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam từ năm 1980 đến 1989.
  • Năm 1964, ông đã phát minh ra phương pháp “lát cắt Tụy” (Tuy’s cut) và được coi là cột mốc đầu tiên đánh dấu sự ra đời của một chuyên ngành toán học mới: Lý thuyết tối ưu toàn cục (global optimization).
  • Vào tháng 8 năm 1997, Viện Công nghệ Linköping (Thụy Điển) đã tổ chức một hội thảo quốc tế với chủ đề “Tìm tối ưu từ địa phương đến toàn cục”, được tổ chức để tôn vinh Giáo sư Hoàng Tụy, “người đã có công trình tiên phong trong lĩnh vực tối ưu toàn cục và quy hoạch toán học tổng quát” và nhân dịp giáo sư tròn 70 tuổi.
  • Ngày 27 tháng 9 năm 2007, ông cùng 9 nhà nghiên cứu độc lập tên tuổi khác là: Nguyễn Quang A, Phạm Chi Lan, Lê Đăng Doanh, Chu Hảo, Tương Lai, Phan Huy Lê, Trần Đức Nguyên, Trần Việt Phương thành lập Viện Nghiên cứu Phát triển IDS mà ông là Chủ tịch Hội đồng Viện. Viện IDS với tư cách một tổ chức độc lập, vừa là tổ chức mở, phi vụ lợi chuyên nghiên cứu các vấn đề liên quan đến các chính sách, chiến lược, kế hoạch phát triển cho các cơ quan nhà nước và các tổ chức kinh tế xã hội.
  • Tháng 12 năm 2007, một hội nghị quốc tế về “Quy hoạch không lồi” đã được tổ chức ở Rouen, Pháp để ghi nhận những đóng góp tiên phong của GS Hoàng Tuỵ cho lĩnh vực này nói riêng và cho ngành Tối ưu Toàn cục nói chung nhân dịp ông tròn 80 tuổi.[2]
  • Trong những năm của thế kỉ 21, GS Hoàng Tuỵ đã dồn nhiều nỗ lực của mình vào việc phê phán sự yếu kém, lạc hậu và tiêu cực trong ngành giáo dục Việt Nam cũng như tham gia nhiều hội nghị tham luận về cải cách giáo dục.

Một số công trình khoa học

  • Trên 100 công trình đăng trên các tạp chí có uy tín quốc tế về nhiều lĩnh vực khác nhau của toán học như: Quy hoạch toán học, Tối ưu toàn cục, Lý thuyết điểm bất động, Định lý minimax, Lý thuyết các bài toán cực trị, Quy hoạch lõm,…
  • Reiner Horst và Hoàng Tụy (2006 – xb lần thứ 3). ‘Global Optimization – Deterministic Approaches (Tối ưu toàn cục – các cách tiếp cận tất định)’. Springer – Verlag. ISBN 3540610383.
  • Năm 1996, ông cùng Giáo sư Hiroshi Konno và nhà toán học trẻ Phan Thiên Thạch viết chung cuốn sách chuyên khảo nhan đề Optimization on Low Rank Nonconvex Structures (Tối ưu hóa trên những cấu trúc không lồi dạng thấp) dày 472 trang, đang được Kluwer Academic Publishers in đồng thời ở nhiều nơi.
  • Một cuốn sách khác, bộ Convex Analysis and Global Optimization, một giáo trình nghiên cứu trong ngành tối ưu toàn cục, cũng được nhà xuất bản nói trên in ở Mỹ và châu Âu trong năm 1997.
  • Ông là tổng biên tập của 2 tạp chí toán học tại Việt Nam (1980-1990), ủy viên ban biên tập của 3 tạp chí toán học quốc tế. [3]

Danh dự, giải thưởng

Chú thích

  1. ^GS. Hoàng Tụy, người khai sinh lý thuyết Tối ưu Toàn cục
  2. ^http://ncp07.insa-rouen.fr/
  3. ^ Theo Phạm Thịnh, “GS Hoàng Tụy đồng tình việc nhận căn hộ của GS Ngô Bảo Châu”, Báo Tiền Phong, 21/11/2010. Truy cập 22/11/2010. Bản chính được lưu trữ ngày 21/11/2010. (Viết bằng tiếng Việt.) “VTC News”
(theo http://vi.wikipedia.org/wiki)

Lỗ hổng trong đổi mới phương pháp dạy học

Nhiều phương pháp dạy học mới đang được triển khai nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy. Tuy nhiên, nếu áp dụng không khéo, giáo dục lại trượt dài từ thái cực này sang thái cực khác và không thể đem lại kết quả mong muốn.
Một phương pháp hay không có nghĩa là đem nó vào trong tiết dạy là đạt được hiệu quả như mong muốn. Càng không có nghĩa là một tiết dạy tập hợp hết các phương pháp tiên tiến hiện hành thì sẽ thành công.
Mà thực ra, chẳng có phương pháp dạy học nào gọi là hay là dở đối với bất kỳ tiết học nào và đối tượng nào. Vấn đề chỉ là việc vận dụng nó thế nào cho đúng lúc, đúng cách để phát huy hiệu quả hay không mà thôi.
Việc lựa chọn phương pháp dựa vào tiêu chí phù hợp với nội dung là nguyên tắc hợp lý nhưng chưa đủ. Hay nói đúng, điều này chỉ mới dựa trên cơ sở lý thuyết. Người dạy còn phải xét đến tiêu chí thứ hai đó là đối tượng học trực tiếp. Đây mới là thực tế mà khi đối đầu với nó, hệ thống các phương pháp dù hay đến mức nào cũng phải thừa nhận rằng nó không phải là chìa khóa vạn năng.
Phương pháp thảo luận nhóm là phương pháp đáng ngờ nhất. Tâm lý lứa tuổi học đường không ý thức được như người lớn sự cần thiết của làm việc hợp tác. Chia các nhóm nhỏ, lời nói xì xào nhiều khi lại là cơ hội để các em trò chuyện tán gẫu, lãng phí thời gian. Giáo viên không thể đến từng nhóm theo dõi sát sao học sinh làm việc.
Cũng không tránh khỏi tình trạng các em chỉ thảo luận một cách đối phó. Lúc này nhìn bề ngoài có vẻ học tích cực chủ động. Nhưng trong tư duy các em thì chưa chắc. Vậy làm thế nào để các em thật sự “hành động” trong tư duy? Làm sao kiểm soát được tư duy của các em? Câu hỏi này còn đang chờ đợi các công trình tiến sĩ.
Thêm nữa, với tình trạng chạy đua lựa trường điểm hiện nay đang diễn ra rầm rộ ở các thành phố lớn, nước ta không thiếu những trường có mặt bằng học lực học sinh rất thấp. Đối với những tập thể học sinh cá biệt, người giáo viên phải nhức óc với vấn đề đậu rớt của học sinh trong các kì thi. Cố gắng để các em học thuộc các kiến thức ở dạng tinh lọc nhất để thi đã khó, đừng nói đến chuyện hi vọng các em chủ động sáng tạo.
Đâu phải học sinh nào cũng đến trường với tâm thế cố gắng học hành vì tương lai bản thân và phục vụ đất nước sau này. Để thay đổi được điều này là cả một quá trình và đòi hỏi sự phối hợp của nhiều phía.
Đối với những học sinh không thiết tha với học tập, hoặc chỉ đi học để lấy bằng tốt nghiệp phổ thong; sau đó đi học nghề, hoặc bị cha mẹ ép buộc phải đến trường…thì không thể kì vọng ở các em quá nhiều. Các em chỉ học đối phó để thi.
Đó là một thực tế phải thừa nhận dù không mong muốn. Tình trạng học sinh bỏ học nhiều ở vùng đồng bằng sông Cửu Long đã nói lên rằng số lượng những học sinh dạng này không phải ít. Giáo viên trong trường hợp này hiểu rằng phương pháp tiên tiến kia quá xa xỉ. Không thấy hiệu quả đâu nhưng trước mắt là lãng phí thì giờ quý giá.
Việc chúng ta quan niệm giáo dục tránh lối truyền thụ một chiều, lối dạy đọc – chép là rất phù hợp xu thế thời đại. Nhưng không thể kì thị, để rồi cho rằng trong tiết dạy phải tuyệt đối chấm dứt hẳn cách dạy đọc –chép là điều sai lầm. Bởi không có một thầy cô giáo nào có thể làm được chuyện đó, từ trước đến giờ và sau này cũng vậy, kể cả các giảng viên đại học Havard hay Oxford cũng không thể làm được.
Đối với những tri thức có tính chất suy luận, việc vận dụng các phương pháp thảo luận nhóm, đối thoại, đặt câu hỏi hay là điều không có gì bàn cãi. Còn đối với những tri thức thuần túy là thông tin, mà dung lượng bài học thông tin quá nhiều như các bài văn học sử hay các bài lịch sử thì làm sao mà giáo viên không ít nhiều sử dụng cách dạy đọc chép.
Đọc – chép lúc này là một cách để người dạy tinh lọc lại những kiến thức trọng tâm để học sinh không bị hoang mang phân tán. Còn việc đặt câu hỏi để các em phát hiện các thông tin này phát biểu thì cuối cùng cũng phải dừng lại để ghi tri thức cần thiết. Không đọc – chép thì coi chừng sau tiết dạy cả lớp không biết học cái gì!
Mà đối với các tri thức có tính thông tin thuần túy, việc học sinh tích cực phát hiện tri thức thì cũng chỉ là một hành động tích cực bề ngoài. Dùng các phương pháp thảo luận nhóm, hay đối thoại, đặt câu hỏi cũng không đem đến sự sáng tạo trong tư duy các em. Tại sao lại không chấp nhận chuyện đọc chép?
Hoặc đơn giản là có những kiến thức mà học sinh không đủ sức tự chiếm lĩnh, khám phá để đi đến kết quả hoàn hảo thì người thầy phải can thiệp vào, giúp các em hiểu và ghi nhận. Người dạy dù lý giải, gợi mở thế nào, cuối cùng cũng phải tóm lại cái gì đó để học trò ghi nhận. Hành động này sẽ gọi nó là gì  ngoài cái tên đọc – chép?
Quay lại thực tiễn, khi phải đối đầu với đối tượng học không như mong muốn, khả năng  khám phá và học lực của các em đã yếu, mà không đọc gì cho các em ghi để thi cử thì coi chừng lại phát sinh ra những hệ lụy khác.
Việc lạm dụng cách dạy một chiều, chỉ có đọc-chép đúng là một tiêu cực nhất định phải loại trừ. Song bản thân việc đọc – chép vẫn chưa được một cái nhìn sòng phẳng.
Đọc – chép là một thao tác dạy học tất yếu trong quá trình tác nghiệp sự phạm. Bản thân phương pháp này không có gì tiêu cực nếu biết dùng nó đúng lúc. Chúng ta chỉ bài trừ tình trạng lạm dụng thái quá chứ không thể đối lập nó với nguyên lý giáo dục mới, xem nó là cách dạy truyền thống sai lầm mà cực đoan không dùng đến nữa.
Hãy tưởng tượng đến một tiết dạy mà giáo viên chỉ cố tìm ra các phương pháp mới nhằm khiến cho học sinh tích cực chủ động, tự chiếm lĩnh tri thức, tự ghi nhận bài học, mà cuối cùng không tinh lọc lại một vấn đề gì để học sinh ghi nhận…! Kết quả tất yếu là sẽ có rất nhiều học sinh cá biệt bị bỏ rơi.
Đó chính là thái cực thứ hai – hậu quả của việc kì thị cách dạy truyền thống và cực đoan lạm dụng các phương pháp dạy học được gọi là tân tiến một cách thiếu cân đối!
Hồ Hoàng Khải
Trường THPT chuyên Lý Tụ Trọng TP.Cần Thơ
Nguồn: dantri.com.vn

Một số phần mềm thông dụng

1) Ex-Test V1.2: Đây là một phần mềm làm đề thi trắc nghiệm và tự luận do Trần Anh Tuấn, giảng viên Đại học Thương mại Hà Nội xây dựng. Ưu điểm vượt trội của phần mềm này so với các phần mềm soạn đề trắc nghiệm khác là dễ sử dụng, tính chính xác, khoa học, trình bày đẹp, tính năng mạnh, tiết kiệm tối đa công sức người dùng và hơn nữa là được cung cấp miễn phí. Tác giả được xem như là một trong những người đầu tiên ứng dụng Latex để xây dựng phần mềm soạn đề trắc nghiệm.

2) Internet_Download_Manager_v5.15.1_Full.rar: Phần mềm hỗ trợ download  (đã crack).
Bộ phần mềm soạn thảo tài liệu khoa học tự nhiên, tài liệu toán học chuyên nghiệp theo chuẩn quốc tế:
MikTex 2.7:
Tải 7 file dưới dưới đây, lưu vào một thư mục và chạy file Miktex2.7 part1.exe để cài đặt:
4) vietex26: Phần mềm soạn thảo Latex của Việt Nam do TS. Nguyễn Hữu Điển, trường ĐH KHTN Hà Nội thành lập. Có nhiều phần mềm soạn thảo TEX của nước ngoài, các phần mềm đó đều không free. Phần mềm Vietex được cung cấp miễn phí và dễ sử dụng đối với người mới học Latex. Chỉ cần cài MikTex 2.7, sau đó cài Vietex 2.6 là các bạn đã có thể bắt đầu soạn thảo Latex. Tôi đã dùng thử các bản của nước ngoài như  EmEditor, WinShell, TexMaker,… nhưng cuối cùng quyết định dùng Vietex vì những lý do trên.
5) wsW2LTXGUI: Phần mềm chuyển đổi định dạng file ảnh nhỏ gọn nhưng rất hữu dụng cho những ai thường xuyên soạn thảo bằng latex. Chỉ cần chèn ảnh vào file word rồi dùng phần mềm chuyển đổi ra các file ảnh định dạng eps, bmp, …
6) WinDjView-0.4.3 : Phần mềm mở file đuôi djvu. Các tài liệu, sách tham khảo của nước ngoài thường định dạng đuôi djvu để cho dung lượng nhỏ mà chất lượng vẫn rất tốt.
6) wintpic: Phần mềm vẽ hình đi liền với Latex. Đây là phần mềm không thể thiếu đối với những người thường xuyên phải soạn Latex. Nó rất nhỏ gọn dễ dùng, có thể vẽ được hầu hết các loại hình trong chương trình PT như bảng biến thiên, hình không gian, đồ thị. WinTpic lưu lại file đuôi tex, để input vào các file tex.
7) FolderGuardPro-v791: Phần mềm ẩn thư mục chuyên nghiệp.

Photo Resizer Pro v3.9 – Phần mềm nén ảnh cực mạnh

Photo Resizer là chương trình tiện ích nhỏ gọn và miễn phí giúp bạn hiệu chỉnh hoặc giảm độ phân giải của 1 tấm ảnh (hỗ trợ JPEG, WMF, TIFF…) để gửi email hoặc làm 1 kho hình ảnh trưng bày trên Internet rất hiệu quả.
Cách sử dụng :
Đầu tiên, bạn click vào nút Open/ New và mở một tấm ảnh mà bạn muốn nén
Sau đó, bạn sẽ thay đổi độ phân giải và độ nén của ảnh ở ô Options. Ở đây, nếu bạn thay đổi độ dài của (Width) thì độ cao của ảnh sẽ thay đổi theo và ngược lại. Bên cạnh đó, bạn có thể thay đổi tỉ lệ nén của tấm ảnh ở ô Quality với các tùy chọn “dọn sẵn” là : 10,20,30…100 %. Khi thiết lập xong, bạn click vào nút Resize để áp các tùy chọn mà bạn thiết lập lúc nay vào tấm ảnh. Tuy nhiên nếu bạn muốn “xin lỗi” Photo Resizer và muốn hồi lại 1 bước thì bạn bấm vào nút Undo để hồi lại.
Sau khi nén xong, bạn click vào nút Save để lưu tấm ảnh mà bạn mới nén xong vào ổ cứng.
Đặc biệt Photo Resizer có sẵn trình gửi email rất tuyệt. Để gửi mail bạn click vào nút Email, lập tức cửa sổ E-Mail your Photos xuất hiện. Trình E-Mail your Photos của Photo Resizer có đầy đủ các chức năng gửi mail như (địa chỉ gửi, đồng gửi, file gửi kèm, tiêu đề….). Tuy nhiên bạn cũng phải xác lập các thông số quan trọng cho trình E-Mail your Photos (giống như Outlook Express vậy á !) như tên accout, port, smtp… trong phần Setuo của E-Mail your Photos thì mới gửi thư được nha !
Download: ResizerPro.zip

Windows Live Writer

 windowslivewriter Thật là quá tuyệt vời! Đó là cảm nhận của mathblog khi thử sử dụng Windows Live Writer để viết blog. Xin trích đăng bài viết trên http://www.download.com.vn hướng dẫn về cách cài đặt và sử dụng Windows Live Writer.

Giới thiệu
Windows Live Writer Beta (WLW) sẽ giải quyết vấn đề tốn nhiều thời gian cho việc đưa các bài viết mới lên blog chỉ với vài nhấp chuột.
WLW là một trong số các công cụ miễn phí của bộ phần mềm Windows Live, được Microsoft cung cấp phục vụ công việc văn phòng của người dùng.

23WindowsLiveWriter400
Hướng dẫn kỹ thuật
Trong lần khởi động đầu tiên, WLW sẽ xuất hiện hộp thoại yêu cầu cung cấp các thông tin cần thiết về trang blog người dùng đang sở hữu, gồm: Web address of your blog (địa chỉ trang blog), User name (tên tài khoản), Password (mật mã). Nếu blog có nhiều tài khoản truy cập cập thì phải khai báo tài khoản có quyền quản trị đăng bài, đăng ảnh và sửa bài. Sau đó, nhấn Next.
23WindowsLiveWriter1
Đợi cho WLW kết nối tới blog, hiển thị tên blog ở ô Blog nickname. Nếu thông tin đã chính xác thì nhấn Finish để xác nhận và trở lại giao diện chính của WLW.
23WindowsLiveWriter2
Nếu cần cài đặt thêm những blog khác thì nhấn vào Add blog account, rồi khai báo như trên.23WindowsLiveWriter3
Giao diện chính của WLW sẽ hiện ra với khung soạn thảo tương tự trên Word, người dùng chỉ việc soạn thảo nội dung của bài viết lên đây. Thao tác định dạng chữ, chèn ảnh đều được thực hiện trên giao diện trực quan của WLW. Phía trên khung nhập liệu có ô Enter the post title giúp đặt tiêu đề cho bài viết. Soạn thảo xong, nhấn nút vào biểu tượng Publish để tải lên blog đã chọn.
23WindowsLiveWriter4
Sau khi hoàn thành, WLW sẽ tự động mở trình duyệt chỉ đến blog của người dùng để xem bài viết vừa được cập nhật ngay tức thời. Bài viết hiện ra sẽ có định dạng y hệt như khi soạn thảo, ảnh minh họa cũng được hiện rõ ràng và được lưu trong kho dữ liệu blog.
Ngoài ra, người dùng có thể dùng WLW để sửa lại các bài trước đó đã được đăng bằng WLW hoặc trực tiếp từ blog. Đầu tiên, nhấn chuột trái vào biểu tượng Live Writer trên góc trái màn hình > chọn Open.
Vùng bên trái cửa sổ mới hiện ra sẽ hiển thị các nhóm bài đã được phân loại, gồm: Draft (bản nháp của các bài viết từ WLW), Recently posted (những bài đã đăng từ WLW trong thời gian gần đây) và các nhóm có tên của blog.
Mặc định công cụ chỉ hiển thị 50 bài viết mới nhất cho mỗi nhóm. Để tăng con số này lên thì chọn con số tương ứng ở thẻ Show, chọn All để hiển thị tất cả. Sau đó, WLW sẽ lọc ra các bài viết chi tiết, kèm thời gian đăng ở phía sau tên bài. Để xóa bài khỏi blog, chọn bài trong danh sách, rồi chọn Delete.
23WindowsLiveWriter5
Để sửa chữa bài, chọn vào bài viết, rồi nhấn OK. Lúc này, giao diện chính của WLW sẽ lại hiện ra với nội dung của bài viết đã chọn, người dùng biên tập nội dung rồi nhấn vào nút Publish.
Theo VnExpress
(Bài viết trên soạn thử trên Windows Live Writer, tốc độ nhanh khủng khiếp và thật tiện dụng).

Phần mềm tạo máy ảo VMware Workstation 7

VW71 Trong bài viết này, mathblog sẽ giới thiệu cách cài đặt và sử dụng phần mềm tạo máy ảo VMware Workstation 7.
Phần mềm này dùng để làm gì?
Ngày nay, sự phát triển của ngành công nghiệp phần mềm trên thế giới luôn phát triển không ngừng. Điều này bạn sẽ thấy rõ qua việc mỗi ngày luôn có những sản phầm phần mềm được tung ra và giới thiệu (dùng thử, bản demo) tạo ra sự ưu ái cho người dùng trong việc lựa chọn tiện ích phần mềm, đáp ứng cho từng nhu cầu công việc khác nhau.

Tuy nhiên, điều này cũng khiến cho người dùng phải phân vân khi quyết định nâng cấp hay chuyển sang một phần mềm khác dùng tốt hơn…
Vì thế, bạn luôn muốn có cơ hội kiểm tra trước sản phẩm, chẳng hạn bạn muốn cài đặt một hệ điều hành mới như Windows 7 mà gần đây nó đã trở thành cơn sốt của nhiều người dùng máy tính trên thế giới.
Hay chỉ đơn thuần kiểm tra trước một chương trình trên nhiều môi trường, update một service pack nào đó… mà không sợ ảnh hưởng đến hệ điều hành mình đang sử dụng cũng như công việc hằng ngày của mình.
Ngoài ra, bạn có thể dùng phần mềm này kết hợp với một phần mềm chụp màn hình để tạo ra các bài viết hướng dẫn, bài giảng bằng hình ảnh rất tốt.
mathblog cũng đang dùng VMware Workstation 7  để viết bài hướng dẫn này.
Trước tiên, bạn hãy tải về 3 file sau và lưu cùng thư mục và chạy file VMware Workstation 7 part1 để cài đặt.
 VMware Workstation 7 part1
 VMware Workstation 7 part2
 VMware Workstation 7 part3
VW71 
VW72
Bấm Next.
VW73
Bấm Typical.
VW74
Chọn nơi cài VMW rồi bấm Next.
VW75
Bấm Next.
VW76
Bấm Continue.
vw77
Mở file Serial và điền Serial Number rồi bấm Enter.
vw78
Bạn chờ cho máy cài xong rồi bấm Restart Now để hoàn thành cài đặt.
vw79
Máy tính khởi động lại, bạn chọn Yes, I accept và bấm OK.
vw710
Quá trình cài đặt hoàn tất. Giao diện VMware Workstation7 như hình dưới.
vw711
Bây giờ bạn tiếp tục cài đặt hệ điều hành lên máy ảo. Bạn chọn New Virtual Mạchine trong hình trên để thêm máy ảo mới.
vw712
Bấm Next.
vw713
Chọn mục I will install the operating system later và bấm Next.
vw714
Chọn hệ điều hành bạn muốn cài lên máy ảo rồi bấm Next.
vw715
Chọn thư mục lưu trữ máy ảo và bấm Next.
vw716
Bấm Next.
vw717
Bấm Finish.
vw718
Tiếp theo bạn bấm vào dòng chữ Power on this virtual machine để khởi động máy ảo.
vw719
Lúc này máy ảo vẫn chưa được cài đặt hệ điều hành nên giao diện như hình trên. Bấm I finished installing. Cho đĩa cài Windows Xp vào ổ đĩa để cài đặt bình thường như khi cài trên mấy thật.
Chú ý. Trong bước trên bạn phải bấm Ctrl +G để vào máy ảo. Để chuyển đổi giữa hai chế độ máy ảo và máy thật, bấm Ctrl+G hoặc Ctrl+All.
vw720
Tiếp theo bạn cần cài đặt kết nối giữa máy thật và máy ảo để hai máy có thể chia sẻ tài nguyên với nhau.

Tạo dropdown menu cho thesis theme

Hôm qua mathblog đã thay đổi giao diện cho thân thiện với bạn đọc hơn. Vì mới tiếp cận Thesis Theme nên khá vất vả mới làm xong cái menu theo phong cách Genesis Theme. Xin chia sẻ với các bạn.

Bước 1. Các bạn thêm vào file custom_functions.php đoạn code sau:
/* Tạo dropdown menu giống Genesis theme. http://mathblog.org*/
remove_action(‘thesis_hook_before_header’, ‘thesis_nav_menu’); /*(Bỏ nav menu mặc định của wordpress).*/
add_action(‘thesis_hook_after_header’, ‘thesis_nav_menu’); /*(Chuyển nav menu xuống dưới header)*/
function topnav_menu() {
?>
<ul id=”topnav”>
<li><a href=”http://mathblog.org”>Trang chủ</a></li>
<li><a href=”http://mathblog.org/about-me”>Giới thiệu</a></li>
<li><a href=”http://book.mathblog.org/”target=”blank”>Tài liệu</a></li>
<li><a href=”http://tn.mathblog.org/”target=”blank”>Trắc nghiệm</a></li>
<li><a href=”http://mathblog.org/sitemap-2/”>Sơ đồ trang</a></li>
</ul>
<?php
}
add_action(‘thesis_hook_before_header’, ‘topnav_menu’);/* (Đoạn code trên thêm menu mới vào trước header. Các bạn có thể thêm tùy ý các tab)*/
Bước 2. Tùy chỉnh hiển thị bằng cách thêm đoạn code sau vào file custom.css:
.custom .menu { background: #333333;border-bottom: 0.1em solid #6495ED;clear: both;width: 960px;color: #FFFFFF;}
.custom .menu li { background: #333333;float: left;list-style: none;
margin: 0;
padding: 0;
}
.custom .menu a {
background: none;
color: #FFFFFF;
display: block;
font-size: 12px;
margin: 0;
padding: 6px 10px 5px 10px;
text-decoration: none;
position: relative;
}
.custom .menu .current a, .custom .menu .current-cat a { cursor: pointer }
.custom .menu ul {width: 100%;
float: left;
list-style: none;
margin: 0;
padding: 0;
}
.custom .menu li a:hover, .custom .menu li a:active, .custom .menu .current_page_item a {
background: #000000;
color: #FFFFFF;
}
.custom .menu li a.sf-with-ul {
padding-right: 20px;
}
.custom .menu li a .sf-sub-indicator {
background: url(http://mathblog.org/wp-content/themes/thesis_18/custom/images/arrow-down.png);
display: block;
width: 10px;
height: 10px;
text-indent: -9999px;
overflow: hidden;
position: absolute;
top: 11px;
right: 5px;
}
.custom .menu li li a, .custom .menu li li a:link, .custom .menu li li a:visited {
background: #333333;
color: #FFFFFF;
width: 158px;
font-size: 11px;
margin: 0;
padding: 6px 10px 6px 10px;
border-left: 1px solid #666666;
border-right: 1px solid #666666;
border-bottom: 1px solid #666666;
position: relative;
}
.custom .menu li li a:hover, .custom .menu li li a:active {
background: #000000;
}
.custom .menu li li a .sf-sub-indicator {
background: url(http://mathblog.org/wp-content/themes/thesis_18/custom/images/arrow-right.png);
top: 10px;
}
.custom .menu li ul {
z-index: 9999;
position: absolute;
left: -999em;
height: auto;
width: 180px;
margin: 0 0 0 -1px;
padding: 0;
}
.custom .menu li ul a {
width: 160px;
}
.custom .menu li ul ul {
margin: -33px 0 0 179px;
}
.custom .menu li:hover ul ul, .custom .menu li:hover ul ul ul, .custom .menu li.sfHover ul ul, .custom .menu li.sfHover ul ul ul {
left: -999em;
}
.custom .menu li:hover ul, .custom .menu li li:hover ul, .custom .menu li li li:hover ul, .custom .menu li.sfHover ul, .custom .menu li li.sfHover ul, .custom .menu li li li.sfHover ul {
left: auto;
}
.custom .menu li:hover, .custom .menu li.sfHover {
position: static;
}
/***** Nav Menu ********************/
#topnav {
clear: both;
width: 960px;
height: 31px;
background: #333333;
color: #FFFFFF;
border-bottom: 1px solid #666666;
margin: 0;
padding: 0;
}
#topnav .wrap {
}
#topnav ul {
width: 100%;
float: left;
list-style: none;
margin: 0;
padding: 0;
}
#topnav li {
float: left;
list-style: none;
margin: 0;
padding: 0;
}
#topnav li a {
color: #FFFFFF;
display: block;
font-size: 12px;
margin: 0;
padding: 6px 10px 5px 10px;
text-decoration: none;
position: relative;
}
#topnav li a:hover, #topnav li a:active, #topnav .current_page_item a {
background: #000000;
color: #FFFFFF;
}
#topnav li a.sf-with-ul {
padding-right: 20px;
}
#topnav li a .sf-sub-indicator {
background: url(images/arrow-down.png);
display: block;
width: 10px;
height: 10px;
text-indent: -9999px;
overflow: hidden;
position: absolute;
top: 11px;
right: 5px;
}
#topnav li li a, #topnav li li a:link, #topnav li li a:visited {
background: #333333;
color: #FFFFFF;
width: 158px;
font-size: 11px;
margin: 0;
padding: 6px 10px 6px 10px;
border-left: 1px solid #666666;
border-right: 1px solid #666666;
border-bottom: 1px solid #666666;
position: relative;
}
#topnav li li a:hover, #topnav li li a:active {
background: #000000;
}
#topnav li li a .sf-sub-indicator {
background: url(images/arrow-right.png);
top: 10px;
}
#topnav li ul {
z-index: 9999;
position: absolute;
left: -999em;
height: auto;
width: 180px;
margin: 0 0 0 -1px;
padding: 0;
}
#topnav li ul a {
width: 160px;
}
#topnav li ul ul {
margin: -33px 0 0 179px;
}
#topnav li:hover ul ul, #topnav li:hover ul ul ul, #topnav li.sfHover ul ul, #topnav li.sfHover ul ul ul {
left: -999em;
}
#topnav li:hover ul, #topnav li li:hover ul, #topnav li li li:hover ul, #topnav li.sfHover ul, #topnav li li.sfHover ul, #topnav li li li.sfHover ul {
left: auto;
}
#topnav li:hover, #topnav li.sfHover {
position: static;
}
#topnav li.right {
float: right;
margin: 0;
padding: 6px 10px 6px 10px;
}
#topnav li.right a {
display: inline;
margin: 0;
padding: 0;
border: none;
background: none;
color: #FFFFFF;
font-weight: normal;
text-decoration: none;
}
#topnav li.right a:hover {
color: #FFFFFF;
text-decoration: underline;
}
#topnav li.date {
}
#topnav li.rss a {
background: url(images/rss.png) no-repeat left center;
margin: 0 0 0 10px;
padding: 3px 0 3px 16px;
}
#topnav li.search {
padding: 0 10px 0 10px;
}
#topnav li.twitter a {
background: url(images/twitter-nav.png) no-repeat left center;
padding: 3px 0 1px 20px;
}