Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2011

Tôi khao khát trở lại cuộc sống nghèo nhưng ấm áp

Tôi gần như trầm cảm và thấy xấu hổ mỗi khi bè bạn hào hứng kể về gia đình, về thứ gọi là tình yêu thương của cha mẹ.

Tôi là một đứa sinh ra trong một nửa lưng chừng của cuộc sống. Ba tuổi chỉ còn mình mẹ để rồi lớn hơn chút, tôi bắt đầu biết đau khổ và chui vào một góc phòng mà khóc, mà gặm nhấm thứ xúc cảm đắng chát của một đứa bé mồ côi cha khi nhìn những bạn đồng trang lứa được ôm ấp trong vòng tay của cả bố và mẹ. Nhà tôi không quá nghèo nhưng cũng chẳng thể gọi là khấm khá. Cái mà tôi có, hay đúng hơn là tôi từng ảo tưởng là một mái nhà ngập tràn yêu thương của mẹ và các anh chị.
Bỏ qua những lời trêu trọc vô tình hay ác ý của một số người, tôi vẫn gồng mình qua ngày tháng, miệt mài học hành và cũng có những ước mơ trong trẻo như chúng bạn. Ước mơ làm nữ cảnh sát đi bắt tội phạm và sẵn sàng hy sinh vì nhiệm vụ, làm giáo viên dạy văn với chất giọng ngọt ngào như một cô giáo tôi rất ngưỡng mộ, rồi làm một nhà diễn thuyết, một nhà báo, một người giàu kếch xù để tha hồ làm những gì mình thích, để vi vu khắp đó đây mà làm từ thiện vì những hình ảnh ở một làng SOS đã khiến tôi phải rưng rưng nước mắt và khao khát cháy bỏng được giúp bọn trẻ.
Cho tới một ngày…
Khung trời tươi sáng dường như tắt lịm. Tôi thu nhận cho riêng mình một nỗi đau riêng, một mảnh vỡ đã trở thành ám ảnh tới tận bây giờ và có lẽ mãi mãi về sau, trong những giấc mơ đêm hay ở những khoảnh khắc đối diện với lòng mình, một mình.
Tôi không thể nào quên được sự lúng túng đầy tội lỗi của người mà tôi thương yêu - người mẹ của mình trong một lần và có lẽ còn nhiều lần khác mà tôi không biết - hình ảnh người đàn bà vụng dại. Có lẽ tôi quá yêu bố, xem bố là vị thần hộ mệnh hay do không thể vượt qua được những ích kỷ của bản thân nên dù đã nhiều lần muốn nghĩ thoáng cho mẹ nhưng đều thất bại bởi những giây phút kinh khủng lại hiện đầy trong tâm trí, bủa vây tôi khiến tôi chán ghét và ghê sợ.
Tôi ước mơ cuộc sống nghèo khổ mà đầm ấm trước đây. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.
Tôi gần như trầm cảm và thấy xấu hổ mỗi khi bè bạn hào hứng kể về gia đình, về thứ gọi là tình yêu thương của cha mẹ. Tự thu mình và chỉ còn biết vùi đầu vào sách vở. Dường như những ước mơ kia đã mờ nhạt và tôi chìm mình trong ảo tưởng được một lần ôm bố dù biết bố không còn trên cõi đời này nữa.
Vẫn gắng sức học hành dù mục đích duy nhất lúc này chỉ là được thoát khỏi vùng đất đắng này, vùng đất mà tôi không còn cảm nhận được bình yên, vùng đất mà người chị gái tôi đã có một cuộc hôn nhân không hoa, không váy cưới và kết thúc trong nước mắt, trong đơn lẻ một mình nuôi con, vùng đất mà từ một người đáng kính, anh trai tôi trở nên rượu chè, bài bạc, nghỉ việc chính trị, vùng đất tôi nhận ra một sự thật chán chường rằng cuộc sống mưu sinh đã cướp đi cái gọi là mái ấm để rồi đọng lại chỉ là những mảnh vỡ vụn khía cạnh vào lòng tôi. Tôi phải thoát khỏi đó.
Cánh cửa đại học mở ra, tôi hy vọng vào một sự đổi khác, một làn gió mới làm lành lặn những vết thương tựa hồ như mới xảy ra ngày hôm qua. Tôi bỡ ngỡ bước vào trường, một ngôi trường khá danh tiếng ở thủ đô. Ngày đầu nhập học tôi đã mỉm cười với chính mình, mỉm cười vì đã làm được điều tôi ấp ủ là phải chứng tỏ cho bè bạn, những kẻ đã trọc ghẹo tôi biết rằng đứa con mồ côi cha cũng có thể trưởng thành và khẳng định bản thân.
Chuỗi ngày tiếp sau là những ngày dài tự lo kiếm sống và gắng không phải dùng tới khoản tiền 400 nghìn mỗi tháng mà anh trai tôi gửi. Tôi ở cùng một gia đình Hà Nội, phụ giúp họ bán bánh, bán cơm, rửa bát. Tất cả đã ngốn hết rất nhiều thời gian học tập và lại khiến tôi nhận ra vị trí của mình mỗi lần bạn bè bắt gặp tôi đi đưa cơm cho văn phòng ở trường. Dẫu sao tôi cũng tự tìm được niềm an ủi khi nhận được sự hỏi han, quan tâm của gia đình người chủ trọ này.
Hằng đêm, tôi vẫn thường một mình nhìn ra khung cửa sổ, nghĩ về nơi xa xăm để mơ rằng bố đang dõi nhìn và âu yếm tôi, bảo vệ cho tôi trên tất cả những nẻo đường, những bước chân tôi đi. Bố là niềm tin và chỗ dựa duy nhất để tôi phấn đấu và vượt qua mọi thách thức, trở ngại, mọi buồn lo trong cuộc sống.
Tôi không biết mình là đứa hướng ngoại hay hướng nội. Có lẽ nửa cái này và nửa cái kia. Từ ngày học trung học phổ thông, tôi không còn ủ rủ một mình mà suốt ngày cười nói. Những người bạn ở trường mới thường tâm sự với tôi và câu kết thường là: “Ấy vui vẻ như vậy chắc là được sống trong một gia đình hạnh phúc, không biết đến lo toan, ước gì mình được sướng, được vô tư như ấy”. Tôi mỉm cười trong giá buốt. Sự thật là tôi dễ hòa đồng với mọi người bởi khả năng hài hước vốn có. Nhưng đó là ban ngày…
Cuộc sống về đêm của tôi thường cùng chung một nhịp điệu. Tôi trở về với lòng mình, với cô đơn, trơ trọi, lẻ loi, bơ vơ giữa một thành phố quá rộng lớn. Tôi thích một mình ngồi ghế đá sân trường, ngắm lá rơi xào xạc, thích một mình lặng bước dưới những tán cây để rồi suy ngẫm về quá khứ, để rồi không hiểu sao nước mắt cứ tự nhiên lăn trên gò má. Tôi thấy sợ cuộc sống ngoài kia, người ta chạy vù qua nhau, hối hả, giẫm đạp lên nhau tới tàn nhẫn. Tôi sợ cái bóng quá to lớn của đồng tiền khiến cho tình cảm giữa người với người bị mờ nhạt. Dẫu thế, tôi cũng vẫn ước mơ…
Nhưng ước mơ đó không còn là trở thành người này, người nọ dù nghề của tôi sẽ định hướng về dịch thuật, ước mơ đó cũng không còn là nhiều tiền lắm của dù có điều kiện để chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh luôn là khao khát cháy bỏng trong tôi. Giờ này tôi mơ về một sự bình yên trong tâm hồn. Tôi thích tìm tới chốn chùa chiền để nguyện cầu duy nhất hai chữ an lành. Tôi già và lập dị so với lứa tuổi đôi mươi này chăng? Có lẽ vậy!
Tôi thèm khát đến điên cuồng những giây phút không bị giằng co với quá khứ, không phải đấu tranh, giằng xé giữa hai hình ảnh: một người mẹ từng tần tảo, đầy yêu thương và một người đàn bà phản bội bố tôi và niềm tin yêu của tôi, đưa đến cho tôi ác cảm về hai tiếng gia đình. Tôi khao khát được trở lại cuộc sống nghèo khổ, chật vật với từng miếng cơm, manh áo khi các anh tôi phải đi than, bán củi lam lũ nhưng không khí gia đình ấm áp tới lạ thường.
Những lúc chênh vênh, tôi lại mơ về bố, được trong vòng tay của bố, thấy nụ cười hiền từ của bố dẫu chỉ là tưởng tượng và dẫu nét mặt đó quá mờ, quá xa bởi lúc bố ra đi, tôi còn quá nhỏ để ghi nhớ rõ hình bóng bố. Mơ để rồi tỉnh giấc và tỉnh để rồi lại ngập mình trong tuyệt vọng! Uh, tuyệt vọng với những giấc mơ mà người đời cho là hạnh phúc bình dị còn với tôi là những điều quá xa xỉ.
Người ta và ngay cả chính tôi, dù khó khăn tới mấy nhưng nếu cố hết sức mình cũng có thể đạt được vị trí trong công danh, sự nghiệp và cả tiền tài nữa. Nhưng sau tất cả điều đó, họ cần gì nếu không phải là những khoảnh khắc bình yên cho tâm hồn? Cái gì hữu hình cũng dễ đạt được hơn những thứ vô hình. Và phải chăng, tôi ao ước điều cao sang quá nên tới giờ, sau hai mấy năm tồn tại trên cõi đời, tôi vẫn lang thang một mình đi tìm chút hương dẫu chỉ là thoảng qua của hạnh phúc gia đình, và rồi tôi vẫn có duyên với từ “lạc”…
Tôi thường lạc đường dù có những nơi đã đi tới gần chục lần. Có lẽ do trí nhớ kém! Tôi thường lạc đề với những dòng suy nghĩ tĩnh lặng bên trong và những thể hiện sôi động ở bên ngoài. Có lẽ tôi quen lừa dối cảm xúc bản thân và trên tất cả, tôi luôn lạc lõng giữa dòng người xuôi ngược, giữa bộn bề cuộc sống, giữa nụ cười giòn tan của chính bản thân, giữa những cơn mơ và giữa dòng thực tại.
Cuộc sống hiện đại ban cho thế hệ trẻ chúng ta rất nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển khả năng, để khẳng định chính mình. Và cũng chính nó đã làm mờ đi rất nhiều thứ mà lẽ ra cần được trân trọng, đó là những hạnh phúc dung dị, là sự quan tâm, đùm bọc, yêu thương giữa người với người chứ không phải chỉ là con số khô khan trên đồng tiền chúng ta kiếm được để ngập mình trong guồng quay kiếm sống mưu sinh mà vô tình hay hữu ý quên đi những phút ngừng giữa đường đua để rồi nhìn lại, suy ngẫm, cảm nhận và để rồi thấy tình yêu, thấy bình yên là cần hơn tất cả.
Cầu mong cho tất cả các bạn luôn an lành và đừng phải như tôi, người của những lưng chừng…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét