Thứ Ba, 3 tháng 5, 2011

Thiên tài “điên loạn” John Forbes Nash

 Có người đã nói “Thiên tài thường song hành với sự cô độc”, câu nói này dường như rất đúng với tính cách của John Forbes Nash- một thiên tài toán học, một nhà kinh tế lỗi lạc của thế giới. Cũng từ cuộc đời đặc biệt của John Forbes Nash mà các nhà làm phim Holywood đã cho ra đời bộ phim đã đạt tới 4 giải Oscar năm 2002- ” A Beautiful Mind”- Một tâm hồn cao đẹp.


1. Một sinh viên kỳ lạ


Không nghịch ngợm như những đứa trẻ cùng trang lứa, cậu bé Jonh ngay từ nhỏ chỉ có một thú đam mê duy nhất: đọc sách. Cả tuổi thơ của Jonh dường như không có bất kỳ một người bạn nào, cậu không thích kết bạn, không thích giao lưu với mọi người. Việc duy nhất mà John thường làm là chui vào phòng sách của gia đình khi có thời gian rảnh rỗi. Trong lớp, gần như Jonh là một người cá biệt khi cả ngày có thể không nói một câu, đến nỗi cô giáo chủ nhiệm bậc tiểu học của cậu đã có nhận xét như sau: “Cậu bé này từ khi sinh ra đã có 2 bộ não nhưng chỉ có đúng nửa trái tim”.



Sau khi tốt nghiệp trung học, John Forbes Nash theo học ngành hóa tại đại học Carnegie Mellon với mong muốn trở thành một kỹ sư hóa học. Tuy nhiên, trong thời gian học đại học, các giáo viên đều nhận thấy khả năng toán học thiên bẩm của Jonh. Đến năm1948, khi đang là sinh viên năm thứ 3 đại học, John nhận được một bức thư viết bằng tay của chủ nhiệm khoa toán trường đại học Princeton nồng nhiệt chào đón cậu đến học tập với số tiền học bổng là 1500 đô la. Vào thời điểm đó, đại học Princeton là trung tâm toán học của toàn thế giới, nơi tập trung của rất nhiều nhà khoa học lỗi lạc. Trong môi trường học tập tuyệt vời như thế, không có lý do gì mà John lại từ chối, và cũng chính tại đây tài năng của John Forbes Nash được phát huy một cách tối đa nhất.



Trong thời gian học đại học, John thường không được lòng bạn bè vì bản tính quá kiêu hãnh của cậu. Lúc nào John cũng tìm ra chỗ sai hoặc chưa hoàn thiện trong các bản báo cáo hoặc bài tập của bạn bè mình. Sở thích của John là tự do, độc lập suy nghĩ và hành động theo ý nghĩ, ít khi dập khuôn máy móc theo một cái gì đã có sẵn. Mùa hè năm 1950, khi tất cả mọi người đều đang bận rộn cho việc thi cử, Jonh cũng phải thức thâu đêm để thực hiện luận văn tiến sĩ. Chính trong bài luận văn rất công phu này, lần đầu tiên Jonh đã cho ra đời “Lý thuyết cân bằng Nash”.



Sự ra đời “Lý thuyết cân bằng Nash”  khi mới 22 tuổi là một cống hiến to lớn của John đối với nền toán học cũng như nền kinh tế trên phạm vi toàn thế giới. Ngày nay, lý thuyết này đuợc sử dụng một cách rộng rãi trong các tài liệu và giáo trình liên quan đến kinh tế. Cũng trong năm này, nhà toán học tài ba này còn cho ra đời một số luận điểm về kinh tế rất nổi tiếng khác như “ N- Điểm cân bằng đối sách” và “ Các vấn đề liên quan đến mặc cả”... Chính vì những đóng góp to lớn này của John, năm 1958 tạp chí Fortunecủa Mỹ đã sếp John Forbes Nash là “Nhân vật kiệt xuất nhất về toán học thế giới trong thời đại mới”.

 2. Và... một thiên tài “điên loạn”.

Năm 1957, sau khi kết hôn một thời gian, John Forbes Nash mắc một chứng bệnh rất khó chữa “Tâm thần phân liệt”.


Lúc đầu, mọi người không biết John đã mắc phải căn bệnh này, chỉ cho đó là những hành động kỳ quặc giống như bản tính của ông trước đây. Nhưng khi những suy nghĩ và hành động của ông ngày càng gây cho mọi người sự ngạc nhiên thì lúc đó John Forbes Nash mới được chẩn đoán mắc bệnh thần kinh.

Trong thời gian mắc bệnh, John đã cho rằng những chữ cái trong cái tên ”Thời báo New york” chắc chắn chứa đựng một sự thần bí nào đó, và sự thần bí này chỉ có ông mới biết được. Jonh cũng đã từng viết thư đến Liên hợp quốc, một mình đi bộ và gửi thư đến từng đại sứ quán các nước tại Mỹ để “trấn an” rằng: Cứ kiên trì chờ đợi, không lâu nữa ông sẽ thành lập ra một chính phủ chung của toàn thế giới…Thậm chí Jonh đã từng viết một lá thư gửi Mao Trạch Đông với nội dung được viết hoàn toàn bằng các công thức… toán học.


Năm 1970, sau nhiều năm chữa trị tại viện tâm thần, người vợ Alicia quyết định đưa John trở lại sống trong trường đại học Princeton- nơi mà ông đã từng theo học với hy vọng: Sống tại đây rất có thể John sẽ dần dần trở lại được tâm lý bình thường. Cũng trong những thập niên 70, 80 của thế kỷ trước, sinh viên và giảng viên tại đại học Princeton thường hay nhìn thấy một ông già kỳ lạ đi đi lại lại trong khuôn viên trường. Một ông già gầy gò, trầm mặc, thỉnh thoảng lại hà hơi viết lên kính cửa sổ một vài công thức toán học, rồi thỉnh thoảng lại nói và cười một mình.


Cũng trong thập niên 70, 80 của thế kỷ trước cái tên John Forbes Nash với những lý thuyết của ông xuất hiện hàng loạt trong các sách về kinh tế, trong các luận văn về tiến hóa sinh vật, trong sách toán học thậm chí còn liên quan đến cả chính trị. Tên ông đã trở thành một danh từ được dùng phổ biến trong các giáo trình toán học và kinh tế. Một lọat các vấn đề và lý thuyết của ông ngày càng gây được tiếng vang và ảnh hưởng sâu sắc đến xã hội đương đại. Tuy nhiên, John Forbes Nash vẫn vậy- một ông già ngày ngày lang thang trong chính ngôi trường đã nuôi dưỡng và đào tạo ông trở thành một nhân tài xuất chúng.


Nhưng rồi, sau 25 năm chiến đấu với bệnh tật, dần dần bà Alicia nhận ra rằng chồng mình đã không còn trí hoang tưởng và hành động như một người mất trí nữa. Mọi người xung quanh đều để ý thấy John Forbes Nash hằng ngày đã dừng lại để nghe giảng trước cửa lớp, ông cũng bắt đầu tranh luận về toán học với các sinh viên trong trường, bắt đầu đọc lại sách và xem vô tuyến. Chính những biểu hiện khá dần lên của John Forbes Nash đã làm tăng thêm niềm hy vọng của Alicia: Ông ấy sẽ hồi phục trở lại. Như một sự thần kỳ, John đã nằm trong số ít ỏi 8%  bệnh nhân có thể hồi phục được sau khi mắc chứng thần kinh phân liệt.


Năm 1994, trong vòng tuyển chọn các ứng viên để trao giải Nobel về kinh tế, tên John Forbes Nash đã gần như bị loại ra khỏi danh sách vì thành viên trong ban trao giải cho rằng: John Forbes Nash là một nhà toán học chứ không phải một nhà kinh tế. Hơn nữa việc trao giải cho một người đã từng mắc chứng thần kinh phân liệt vì một lý do tế nhị nào đó cũng sẽ làm hoen ố giải thưởng vốn được cho là cao quý nhất trên thế giới này. Tuy nhiên, vượt qua mọi dị nghị và lo lắng của một số thành viên trong ban trao giải, ngày 12 tháng 10 năm 1994, John Forbes Nash đã nhận được giải thưởng Nobel về kinh tế cùng với hai nhà lý thuyết trò chơi khác, Reinhard Selten và John Harsanyi.


Và cũng từ câu chuyện có thật này mà các nhà làm phim Holywood đã cho ra đời tác phẩm điện ảnh “A Beautiful Mind” ( Một tâm hồn cao đẹp) – một tác phẩm đã gây xúc động hàng triệu trái tim khán giả trên toàn thế giới. Câu chuyện kể về số phận một con người- một thiên tài toán học không may mắn: John Forbes Nash.

Hải Hiền (tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét