Thứ Ba, 3 tháng 5, 2011

Trùm khủng bố Osama bin Laden đã chết

Bí mật đời tư của Osama bin Laden
"Rất nghiêm khắc với con trai, nhưng lại mê hoa hướng dương và các loại xe tốc độ cao", vợ đầu tiên của trùm khủng bố Osama bin Laden tiết lộ những điều thầm kín nhất của kẻ đang bị truy nã gắt gao nhất thế giới.
Bà Najwa bin Laden vừa xuất bản một cuốn hồi ký viết về người chồng cũ của mình, trong đó bà miêu tả ông ta là một sự tổng hợp mâu thuẫn của các tính cách.
Bà cho biết bin Laden rất nghiêm khắc, có thể đánh con chỉ vì nó nhe quá nhiều răng khi cười. Ông ta cũng cấm sử dụng các thiết bị điện tử trong nhà và cố gắng rèn luyện con trai bằng cách bắt chúng trèo lên những ngọn núi hoang mạc mà không có nước uống.
Theo Telegraph, cuốn sách mang tên Growing Up Bin Laden, do Najwa viết cùng cậu con trai thứ tư Omar, đã vẽ lại chặng đường Bin Laden từ một thiếu niên mới cưới chuyển thành tên trùm khủng bố quốc tế, đi kèm những tiết lộ thú vị về chuyện ông ta thích ăn xoài và khoái xem kênh BBC.
Bên cạnh chi tiết về cuộc sống thường ngày, cuốn hồi ký còn khắc họa một người đàn ông ngày càng trở nên khắc nghiệt khi bị truy nã bởi phương Tây.
Najwa cưới người anh họ bin Laden khi ông 17 tuổi và bà 15 tuổi. Bà đẻ cho ông 7 người con trai, trong đó có Omar, và 4 người con gái. Bin Laden sau đó lấy thêm 5 bà vợ và giữ họ sống riêng biệt ở các ngôi nhàở Ảrập Xêút và Sudan, nơi họ không được dùng các thiết bị điện tử. "Cha tôi không cho phép mẹ tôi bật điều hòa, cũng như không cho bà sử dụng chiếc tủ lạnh có sẵn trong bếp", Omar kể.
Vào cuối thập niên 70, bin Laden bắt đầu hành trình tới Pakistan để ủng hộ phong trào kháng chiến chống Xô viết. Ông thường gây ấn tượng với những người con trai qua các câu chuyện về cuộc chiến chống quân đội Liên Xô đóng ở Afghanistan trong những năm 1980. Tuy nhiên, khi cuộc chiến càng kéo dài, bin Laden về sau càng trở thành một người khắc nghiệt.
Cuốn hồi ký cũng tiết lộ rằng bin Laden - kẻ chủ mưu cuộc tấn công đẫm máu ngày 11/9/2001 tại New York, Mỹ, và vẫn đang nằm ngoài vòng pháp luật sau 8 năm bị truy lùng gắt gao trên toàn thế giới - có ít nhất một chiếc Mercedes màu vàng và từng mua một con thuyền đua.

Najwa nói: "Không có gì khiến ông ấy thỏa mãn hơn là dành cả một ngày để lái xe tốc độ cao tới sa mạc, bỏ lại chiếc xe ở đó và đi bộ đường dài".
Bị buộc phải tha hương tới Sudan do phản đối việc hoàng gia Ảrập chấp nhận quân đội Mỹ đóng quân trong nước, ông ta luôn chuẩn bị sẵn cho gia đình đối mặt với sự gian khổ bằng cách khiến họ phải ngủ vật vã trong sa mạc và leo núi liên tục.
Tuy nhiên, trong những giây phút thư giãn, các con trai ông vẫn rất ngưỡng mộ khả năng cưỡi ngựa của cha mình. Ngoài ra, ông ta còn thích thể hiện tài tính toán bằng cách thách mọi người đánh bại ông trong các phép tính.
Con trai bin Laden nói: "Cha tôi nổi tiếng với nhiều tài lẻ, đến mức có lần người ta đến nhà và yêu cầu ông đọ sức với một cái máy tính".
Vợ của bin Laden bổ sung: "Thú thư giãn của Osama là làm vườn, trồng ngô và những cây hoa hướng dương to bự".

Cuộc tấn công tiêu diệt Osama bin Laden diễn ra thế nào

Trong đêm tối, bốn chiếc trực thăng của quân đội Mỹ bay về phía thị trấn Abbottabad tại Pakistan để tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden.

Một binh sĩ Pakistan nói chuyện với người dân tại chốt kiểm soát ở thị trấn Abbottabad hôm 2/5. Ảnh: AP.
Một quan chức Pakistan tiết lộ, bốn trực thăng khởi hành từ căn cứ không quân Ghazi ở phía tây bắc Pakistan. Mục tiêu của phi đội này là một ngôi nhà ba tầng cách một trường quân sự khoảng 100 m tại thị trấn Abbottabad. Theo thông tin tình báo mà quân đội Mỹ nhận được từ tháng 8 năm ngoái thì đó là ngôi nhà mà trùm khủng bố Osama bin Laden trú ẩn, AP đưa tin.
Lửa bốc lên tòa nhà sau khi trực thăng Mỹ khai hỏa. Người dân trong thị trấn nghe ít nhất hai tiếng nổ lớn.

Mohammad Haroon Rasheed, một người dân địa phương, kể rằng, vụ tấn công diễn ra vào khoảng 1h15 sáng 1/5 theo giờ Pakistan.
“Một tiếng nổ lớn vang lên, sau đó là những tiếng súng nổ. Thế rồi đột nhiên chẳng ai bắn nữa. Một lát sau một tiếng nổ lớn hơn vang lên. Vào buổi sáng, khi chạy ra khỏi nhà chúng tôi thấy một xác trực thăng trên cánh đồng”, Rasheed nói.
Các quan chức Pakistan và một nhân chứng kể rằng những cận vệ của bin Laden đã vác trên vai súng phóng rocket bắn trả từ mái của tòa nhà khiến một trực thăng rơi. Tuy nhiên, Nhà Trắng khẳng định không có bất kỳ binh lính Mỹ nào bị thương trong trận giao tranh.
Khoảng 40 phút sau khi trực thăng Mỹ tấn công, bin Laden cùng bốn người khác trong ngôi nhà bị tiêu diệt. Vài nguồn tin nói một con trai của bin Laden cũng chết trong cuộc tấn công. Tuy nhiên, thông tin đó chưa được kiểm chứng.
CNN cho biết, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ra lệnh thực hiện vụ tấn công vào ngày 29/4. Ngôi nhà mà bin Laden ẩn náu có hai cổng và rất ít cửa sổ. Bức tường bao quanh ngôi nhà có chiều cao hơn 5 m và có nhiều dây thép gai. Nhiều bức tường khác bên trong bức tường bao ngoài khiến ngôi nhà bị chia thành nhiều khu vực riêng biệt. Một bức tường có chiều cao hơn hai mét được xây ở tầng ba của ngôi nhà.
"Khi bước vào bên trong ngôi nhà, chúng tôi cảm thấy sửng sốt trước những thứ mà chúng tôi thấy. Đó là một ngôi nhà độc nhất vô nhị. Chiều rộng của nó gấp ít nhất tám lần so với những ngôi nhà khác trong vùng. Nó được xây trên một khu đất lớn", một quan chức của chính phủ Pakistan nói.

Bên trong khu nhà bin Laden bị tiêu diệt

Một chiếc trực thăng của biệt kích Mỹ bị bắn rơi khi giao tranh với các tay súng bảo vệ Osama bin Laden, nhưng trùm khủng bố cuối cùng vẫn bị tiêu diệt tại nơi ẩn náu, với chiếc giường máu vương khắp nơi.

Khu nhà Osama bin Laden ẩn náu nằm ẩn mình giữa những rặng cây, dưới chân một dãy núi của Pakistan. Quang cảnh khu nhà trống rỗng sau khi một trực thăng chở binh sĩ Mỹ đột kích nơi này hôm chủ nhật, tiêu diệt trùm Al-Qaeda. Ảnh: EPA.

Một góc khu nhà Osama bin Laden ẩn náu cùng người vợ trẻ nhất và tay chân thân tín tại thị trấn Abbottabad của Pakistan. Ảnh: EPA.
Một góc khu nhà Osama bin Laden ẩn náu cùng người vợ trẻ nhất và tay chân thân tín tại thị trấn Abbottabad của Pakistan. Ảnh: EPA.
Một trong những chiếc trực thăng của lực lượng Mỹ tham gia đột kích tiêu diệt Osama bin Laden bị rơi và đâm xuống một bức tường, nằm bên trong khu nhà của trùm khủng bố. Chiếc trực thăng này bị lực lượng bảo vệ trùm Al-Qaeda bắn rơi, nhưng tất cả biệt kích trên máy bay đều an toàn. Ảnh: AFP.
Lửa bốc lên tại khu nhà ẩn náu của Osama bin Laden tại Abbottabad, khi biệt kích Mỹ tấn công và giao tranh với lực lượng bảo vệ ông này. Ảnh: AP.
Binh sĩ Pakistan tới hiện trường đưa xác chiếc trực thăng của lính Mỹ bị rơi đi nơi khác. Ảnh: EPA.
Khu nhà ẩn náu của Osama bin Laden tại Abbottabad nhìn từ trên bản đồ vệ tinh của Google. Tòa nhà này nằm cách một trại huấn luyện của quân đội Pakistan chỉ vài trăm mét. Ảnh: Google.
Chiếc giường được cho là nơi bin Laden đã chết máu vương khắp nơi. Ảnh: Telegraph.
Thị trấn Abbottabad nơi Osama bin Laden ẩn náu khá nhỏ và hẻo lánh nằm dưới chân các dãy núi. Thị trấn này được đặt tên theo James Abbott, một đại tá người Anh đã có công sáng lập thị trấn vào năm 1853.
Nhiều báo cáo tình báo khẳng định, ngôi nhà được thiết kế để làm chỗ ẩn náu cho những phần tử khủng bố cao cấp bị truy nã. Giá trị của nó vào khoảng một triệu USD. Trong nhà không có đường dây điện thoại hay cáp Internet. Những người sống trong nhà này tự tiêu hủy rác, chứ không sử dụng dịch vụ thu gom rác như người dân xung quanh.
Việc bin Laden ẩn náu tại Abbottabad là thông tin có thể khiến nhiều người ngạc nhiên, bởi Abbottabad là nơi đồn trú của quân đội Pakistan. Thị trấn có nhiều tòa nhà của quân đội và vài nghìn quân nhân Pakistan sống tại đây.

Osama bin Laden và một thập kỷ lẩn trốn

Mất hơn 10 năm huy động các nguồn lực tình báo và công nghệ vũ khí, Mỹ mới hoàn tất điệp vụ tiêu diệt trùm khủng bố Al-Qaeda Osama bin Laden, kẻ bị cáo buộc đứng sau vụ khủng bố lịch sử ngày 11/9/2001.

Tòa tháp đôi Trung tâm thương mại thế giới tại thành phố New York trong vụ tấn công khủng bố bằng máy bay vào ngày 11/9/2001. Ảnh: BBC.
Mỹ buộc tội Osama bin Laden đứng sau vụ khủng bố năm 2001, khiến hơn 3.000 người thiệt mạng tại tòa tháp đôi WTC New York, trụ sở Lầu Năm góc ở Washington và chiếc máy bay rơi xuống bang Pennsylvania. Tổng thống Mỹ khi đó là George Bush tuyên bố phải tróc nã bin Laden dù “còn sống hay đã chết”. Theo Telegraph, Phó tổng thống Dick Cheney còn bày tỏ rằng ông muốn nhìn thấy thủ cấp bin Laden “đặt trên chiếc đĩa gỗ”.
Tuy nhiên, dù các lãnh đạo cao nhất của Mỹ sôi sục muốn tóm được Osama bin Laden cho bằng được, chiến dịch truy lùng trùm khủng bố này không hề đơn giản. Ông này thường được cho là ẩn náu tại khu vực các bộ tộc hẻo lánh, nằm giữa biên giới hiểm trở Afghanistan và Pakistan và đây cũng là địa bàn được các đơn vị đặc nhiệm Mỹ nhận nhiệm vụ truy sát trùm Al-Qaeda “cày xới”.

Từ thiếu gia thành chiến binh chống Mỹ

Osama bin Laden sinh năm 1957 tại Ảrập Xêút và là con thứ 17 trong đàn con 52 người của tỷ phú ngành xây dựng Mohamed bin Laden. Cha bin Laden là người phụ trách tới 80% hợp đồng xây dựng đường xá của vương quốc dầu mỏ Ảrập Xêút rộng lớn. Khi ông Mohamed qua đời trong một vụ tai nạn trực thăng năm 1968, Osama được thừa kế nhiều triệu USD, nhưng ít hơn so với ước tính 250 triệu USD.
Ngay từ khi đang học ngành kỹ sư dân dụng tại Đại học King Abdul Aziz ở Ảrập Xêút, Osama bắt đầu tìm cách liên lạc với giáo viên và sinh viên mang quan điểm Hồi giáo bảo thủ. Sinh viên con tỷ phú này ngày càng gắn chặt với quan điểm Hồi giáo chính thống và chống lại những thứ mà anh ta cho là sự suy đồi của phương Tây.
Cuộc can thiệp của Liên Xô vào Afghanistan tháng 12/1979 đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời của Osama bin Laden. Bỏ lại cuộc sống nhung lụa ở Ảrập Xêút, người này tới Afghanistan và tham gia cuộc nổi dậy của các chiến binh đạo Hồi mujahideen chống lại quân đội Liên Xô, trong suốt hàng chục năm.
Có một chi tiết ít được người Mỹ nhắc tới là theo các chuyên gia tình báo, Cục tình báo trung ương (CIA) đã đóng vai trò quan trọng trong việc trang bị vũ khí và huấn luyện cho lực lượng mujahideen ở Afghanistan, trong đó có Osama bin Laden, để chống lại quân đội Liên Xô tại đây.
Nhưng cuộc chiến Afghanistan kết thúc, quan điểm của Osama thay đổi hoàn toàn khi chuyển sự căm thù Matxcơva đưa quân sang Afghanistan thành căm ghét Washington vì 300.000 lính Mỹ gồm cả nữ giới đồn trú tại Ảrập Xêút. Mỹ hiện diện quân sự tại nơi có những thánh địa linh thiêng nhất của đạo Hồi này để tham gia cuộc chiến vùng Vịnh lần thứ nhất chống chế độ Saddam Hussein của Iraq năm 1991.
Trùm khủng bố tương lai coi đây là sự báng bổ đối với sự tinh khiết của đạo Hồi và ấp ủ sự báo thù người Mỹ. Cùng với các chiến binh Mujahideen khác, Osama đưa các kỹ năng chiến đấu và lòng tôn sùng đạo Hồi tới nhiều tổ chức chống Mỹ tại khu vực Trung Đông. Người Mỹ nhanh chóng gây sức ép với đồng minh Ảrập Xêút để tước quyền công dân của bin Laden năm 1994, buộc ông ta phải chạy sang Sudan.
Tháng 1/1996, bin Laden trở lại “chiến trường xưa” Afghanistan với sự căm ghét người Mỹ còn tăng hơn nhiều so với trước. Tình trạng hỗn loạn tại đây với sự hoành hành của các nhóm Hồi giáo như Taliban thực sự là “đất dụng võ” của bin Laden, đặc biệt là từ sau khi Taliban chiếm thủ đô Kabul cuối năm 1996.
Một yếu tố mang tính quyết định để Osama bin Laden dần trở thành chiến binh Hồi giáo có ảnh hưởng nhất thế giới chính là sự giàu có của gia đình và bản thân. Tài sản của Osama tăng không ngừng nhờ những khoản đầu tư sinh lợi trên khắp thế giới, đủ sức cho ông ta chi tiền và điều hành các liên minh chiến binh xuyên quốc gia, thông qua mạng khủng bố Al-Qaeda.
Tháng 2/1998, Osama thay mặt tổ chức Mặt trận thế giới thánh chiến chống Do thái và quân thập tự chinh, công bố chỉ dụ tôn giáo (fatwa), tuyên bố các hoạt động giết chóc người Mỹ và các đồng minh là một nhiệm vụ của tín đồ đạo Hồi. Đúng 6 tháng sau, hai vụ đánh bom nhằm vào sứ quán Mỹ tại Kenya và Tanzania làm 224 người chết và 5.000 người bị thương.
Lập tức Osama bin Laden bị coi là nghi phạm chính và thực sự trở thành cái gai cần nhổ bằng được của người Mỹ. Quân đội nước này đã bắn 75 tên lửa hành trình từ biển vào 6 trại huấn luyện của chiến binh Hồi giáo do Bin Laden chỉ huy ở miền đông Afghanistan, nhưng vẫn không thể tiêu diệt được tên này.
Ngoài hai vụ khủng bố đẫm máu ở Kenya và Tanzania, Osama còn dính líu tới vụ đánh bom tại tòa tháp đôi Trung tâm thương mại thế giới (WTC) ở New York năm 1993 cùng vụ xe bom ở thủ đô Riyadh và vụ đánh bom xe tải vào các doanh trại ở Ảrập Xêút, làm chết 19 lính Mỹ, năm 1995. BBC dẫn một tuyên bố của bin Laden nhấn mạnh: “Tôi luôn muốn giết người Mỹ vì họ giết chúng tôi”.
Đỉnh điểm trong các hành động bạo lực của Osama bin Laden nhằm vào người Mỹ là vụ khủng bố 11/9/2001, với hình ảnh hai chiếc máy bay bị không tặc lần lượt lao vào tòa tháp đôi WTC ở New York và khiến chúng sập xuống sau đó. Chiếc máy bay thứ ba đâm vào một phần Lầu Năm Góc ở Washington và chiếc thứ tư lao xuống cánh đồng bang Pennsylvania, khi chưa kịp đến mục tiêu khủng bố.
Tổng cộng có hơn 3.000 người thiệt mạng trong vụ 11/9 và sự kiện đẫm máu này khiến Mỹ quyết định phát động cuộc chiến tranh vào cuối năm 2001, chống chế độ Taliban tại Afghanistan, với cáo buộc chính quyền Hồi giáo hà khắc này dung túng cho mạng khủng bố Al-Qaeda của Osama bin Laden.
Một bức ảnh về Osama bin Laden. Ảnh: EPA.
Một bức ảnh về Osama bin Laden. Ảnh: EPA.

Hơn một thập kỷ lẩn trốn

Một trong những mục tiêu chính để Mỹ phát động chiến tranh Afghanistan năm 2001 là tiêu diệt Osama bin Laden. Tháng 4/2002, họ đã suýt hoàn thành được sứ mệnh này tại khu hang động hiểm trở Tora Bora, nằm giữa Afghanistan và Pakistan. Nhưng Osama đã rời đi từ trước và trốn sang Pakistan, khiến chiến dịch của đặc vụ Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) và các đơn vị đặc nhiệm Mỹ khác thất bại.
Sau đó là những lần Osama bin Laden với tư cách trùm mạng khủng bố Al-Qaeda thỉnh thoảng xuất hiện qua các băng video và ghi âm, kêu gọi chiến binh đạo Hồi chống người Mỹ và các đồng minh. Tháng 2/2003, đoạn băng ghi âm được cho là Bin Laden gửi tới kênh truyền hình Al-Jazeera, trong đó nhấn mạnh: “Tất cả tín đồ đạo Hồi, đặc biệt là những người tại Iraq, cần phải phát động một cuộc thánh chiến chống lại người Mỹ”.
Chỉ có những người rất thân cận mới được nhìn thấy Osama bin Laden và hình ảnh gần đây nhất ghi lại trùm khủng bố này diễn ra vào cuối năm 2011, khi ông ta đang chuẩn bị bỏ chạy khỏi khu vực ẩn náu Tora Bora. Các nguồn tin cho rằng, ông này đã được bộ tộc người Pakistan thân Taliban và chống chính phủ Pakistan che giấu và biệt đãi.
Do đó chiến dịch truy lùng Osama bin Laden của Mỹ thường tập trung vào Pakistan. Sự kiện mang tính bước ngoặt trong chiến dịch này là việc bắt sống nghi phạm khủng bố Khalid Sheikh Mohammed ở Pakistan năm 2003. Đây là chỉ huy trực tiếp các chiến dịch khủng bố của mạng Al-Qaeda và nghi phạm chủ mưu vụ tấn công tòa tháp WTC New York năm 2001.
Việc bắt được Khalid được cho là sự kiện đánh dấu vòng vây xung quanh Osama đang khép chặt. Do đó quân đội Pakistan mở chiến dịch truy lùng quy mô lớn dọc vùng biên giới với Afghanistan từ tháng 5 đến tháng 7/2004. Nhưng một năm sau, Tổng thống Pakistan khi đó là Pervez Musharaf thừa nhận chiến dịch này đã không hoàn thành được mục tiêu là bắt bin Laden.
Trong khi đó, các đoạn băng hình ảnh và âm thanh của Osama bin Laden cùng nhân vật số hai trong Al-Qaeda là Ayman al Zawahiri vẫn thỉnh thoảng xuất hiện trên Internet hoặc truyền hình. Những lần xuất hiện này thường được tính toán gắn với một sự kiện nào đó như trước kỳ bầu cử Mỹ hay các dịp kỷ niệm ngày 11/9, nhằm chia rẽ quan điểm giữa người dân và lãnh đạo các nước phương tây.
Điệp vụ hoàn tất
Đêm 30/4/2011, Osama bin Laden và một số thành viên trong gia đình bị tiêu diệt trong một tòa nhà, nằm bên ngoài thủ đô Islamabad của Pakistan. Sau khi đã nắm trong tay xác của trùm Al-Qaeda và đưa về Afghanistan, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố từ Nhà Trắng lúc 23h New York ngày 1/5 (tức 11h Hà Nội ngày 2/5) rằng trùm khủng bố Osama bin Laden đã bị các lực lượng Mỹ tiêu diệt.
Ông chủ Nhà Trắng cho biết tin tức tình báo về tung tích của trùm Al-Qaeda đang trốn sâu trong lãnh thổ Pakistan xuất hiện từ tháng 8 năm ngoái, nhưng tới đêm 30/4 Mỹ mới xác định chính xác vị trí và hạ sát kẻ bị truy lùng gắt gao nhất trong lịch sử này. Thông tin Bin Laden bị tiêu diệt được tổng thống Mỹ xác nhận đã khiến nhiều người dân nước này vui mừng.
Tuy nhiên việc Bin Laden bị bắn hạ ngay sát thủ đô Islamabad càng làm dấy lên mối lo ngại Pakistan thực sự đã trở thành ‘thiên đường ẩn náu” của các chỉ huy mạng Al-Qaeda. Cái chết của bin Laden sẽ là cú đánh mạnh vào mạng lưới của Al-Qaeda, nhưng cũng khiến nhiều người lo lắng về làn sóng tấn công báo thù của tổ chức khủng bố quốc tế này.
Cựu tổng thống George Bush mô tả việc tiêu diệt được bin Laden là một “thành tựu trọng yếu”. “Cuộc chiến chống khủng bố vẫn đang tiếp diễn, nhưng tối nay nước Mỹ đã phát đi một thông điệp không thể nhầm lẫn rằng: Cho dù có phải kéo dài bao lâu thì công lý cũng sẽ được thực thi”, ông Bush nhấn mạnh.
Người tiền nhiệm của ông là cựu tổng thống Bill Clinton thì tuyên bố: “Đây là khoảnh khắc cực kỳ quan trọng không chỉ cho gia đình những người mất thân nhân trong vụ 11/9 và các vụ tấn công khác của Al-Qaeda, mà còn cho người dân trên toàn thế giới, những người muốn xây dựng một tương lai chung hòa bình, tự do và hợp tác cho những đứa trẻ của chúng ta”.

'Trùm khủng bố Osama bin Laden đã chết'

Osama bin Laden, thủ lĩnh mạng lưới khủng bố quốc tế al Qaeda, đã bị giết trong một chiến dịch của quân đội Mỹ tại Pakistan, Tổng thống Mỹ Barack Obama thông báo.

Osama bin Laden trong một bức ảnh được chụp vào năm 1998. Ảnh: AP.
Osama bin Laden trong một bức ảnh được chụp vào năm 1998. Ảnh: AP.
Trong bài phát biểu tới toàn thể người dân Mỹ tại Nhà Trắng vào lúc gần nửa đêm ngày 1/5 theo giờ Mỹ (vào buổi trưa ngày 2/5 theo giờ Hà Nội), ông Obama nói bin Laden bị giết trong một cuộc tấn công của quân đội Mỹ tại thị trấn Abbottabad, Pakistan vào tối 1/5 theo giờ địa phương. Thị trấn này nằm ở phía bắc thủ đô Islamabad.
"Mỹ vừa tiến hành một chiến dịch dẫn đến cái chết của Osama bin laden, kẻ đứng đầu tổ chức khủng bố Al Qaeda và giết chết hàng nghìn đàn ông, phụ nữ và trẻ em. Công lý đã được thực thi", ông Obama nói.
Cuộc tấn công được tiến hành sau khi một nguồn tin tình báo cho biết bin Laden đang ẩn náu ở Abbottabad.
“Sau một cuộc đấu súng các binh sĩ đã hạ sát bin Laden. Không có bất kỳ binh sĩ Mỹ nào bị thương. Chính phủ Pakistan đã giúp chúng tôi tìm ra vị trí của trùm khủng bố”, Guardian dẫn lời ông Obama.
Một số kênh truyền hình Mỹ tiết lộ chính phủ nước này đang giữ xác của bin Laden. Đây sẽ là bằng chứng để thuyết phục người dân Mỹ rằng trùm khủng bố thực sự đã chết.
Osama bin Laden bị giết trong cuộc tấn công của quân đội Mỹ tại thị trấn Abbottabad vào tối 30/4.
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống vào năm 2008, ông Obama từng cam kết rằng nếu đắc cử, ông sẽ ra lệnh cho quân đội giết chết bin Laden. Giờ đây cam kết của ông đã trở thành hiện thực.
Nhiều người dân Mỹ tập trung bên ngoài Nhà Trắng ở thủ đô Washington để bày tỏ sự vui mừng về cái chết của bin Laden.
Niềm vui của người dân Mỹ trước cái chết của bin Laden.

Osama bin Laden là một người theo đạo Hồi chính thống và thành lập tổ chức khủng bố quốc tế alQaeda. Giới chức Mỹ cáo buộc ông ta đứng đằng sau vụ khủng bố vào tòa tháp đôi Trung tâm thương mại thế giới tại New York và trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ vào ngày 11/9/2001 khiến ít nhất 2.992 người thiệt mạng. Từ đó tới nay, bin Laden đứng đầu danh sách 10 nhân vật bị Cục Điều tra liên bang Mỹ truy lùng trên toàn thế giới.
Gulbuddin Hekmatyar, một chỉ huy nhóm phiến quân Hezb-e-Islami tại Afghanistan, từng nói với kênh truyền hình Geo TV của Pakistan rằng các chiến binh dưới quyền ông ta từng giúp đỡ Osama bin Laden tẩu thoát khỏi một cuộc tấn công của quân đội Mỹ vào khu hang động Tora Bora ở phía đông Afghanistan vào năm 2002.
Vào tháng 10 năm ngoái, CNN dẫn lời một quan chức cấp cao của NATO khẳng định bin Laden đang sống thoải mái trong một ngôi nhà ở tây bắc Pakistan, gần với phó tướng của ông ta là Ayman al-Zawahiri. Họ được bảo vệ bởi những người dân địa phương và "một số thành viên của cơ quan tình báo Pakistan". Trước đó trùm khủng bố khét tiếng di chuyển liên tục từ vùng núi Chitral gần với biên giới phía tây bắc với Trung Quốc, tới thung lũng Kurram liền kề với dãy núi Trắng - một trong những căn cứ của Taliban tại Afghanistan.
Trong cuốn sách mới ra mắt "The Death of American Virtue: Clinton vs Starr", tác giả Ken Gormley - một giáo sư luật tại Mỹ, cho biết, cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton từng suýt bị bin Laden ám sát khi ông tới tham dự diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á Thái Bình Dương tại Philippines vào năm 1996. Trong chuyến công du này, tổng thống Mỹ dự định thăm một chính trị gia địa phương. Trên đường ông sẽ băng qua một cây cầu ở trung tâm thành phố Manila. Nhưng khi đoàn xe của tổng thống định xuất phát thì các nhân viên mật vụ nhận được tin tình báo đã phát hiện được có một vụ tấn công sắp xảy ra. Thông điệp chứa các từ "cầu" và "đám cưới" - mật mã của khủng bố ám chỉ ám sát. Đoàn xe ngay lập tức vòng đường khác và các nhân viên Mỹ sau đó phát hiện ra một quả bom được gắn bên dưới cầu.


Mỹ chôn Osama bin Laden dưới biển

Trùm khủng bố Osama bin Laden sẽ được chôn dưới biển vì giới chức Mỹ lo ngại không nước nào muốn nhận thi thể ông ta, một quan chức cấp cao của Mỹ tiết lộ.

AP dẫn lời vị quan chức giấu tên nói rằng theo truyền thống của người Hồi giáo, thi thể sẽ được chôn trong vòng 24 giờ. Tìm một quốc gia sẵn sàng chấp nhận thi thể của trùm khủng bố khét tiếng nhất thế giới là việc không đơn giản nên chính phủ Mỹ quyết định chôn bin Laden ngoài biển. Tuy nhiên, vị quan chức không tiết lộ nơi ông ta được chôn.
Trước đó, giới chức Mỹ ra lệnh kiểm tra ADN của tử thi bin Laden để xác thực danh tính ông ta. Kết quả kiểm tra sẽ được công bố trong vài ngày nữa.
Kênh truyền hình Geo TV tại Pakistan đưa tin trước khi vụ tấn công khiến bin Laden thiệt mạng xảy ra, trùm khủng bố sống trong tòa nhà ba tầng ở thị trấn Abbottabad cùng với người vợ trẻ nhất của ông ta. Reuters dẫn lời một quan chức giấu tên khác trong chính phủ Mỹ xác nhận trong số những người chết có một con trai của bin Laden.
Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo các phần tử khủng bố có thể thực hiện các vụ tấn công chống Mỹ trên khắp thế giới sau cái chết của Osama bin Laden. Vì thế, giới chức Mỹ khuyến cáo các công dân Mỹ đang cư trú hoặc du lịch ở nước ngoài nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa khủng bố - như hạn chế ra khỏi nhà và không xuất hiện ở nơi đông người.
Khuyến cáo có hiệu lực tới ngày 1/8.

Phản ứng của các nước về cái chết của bin Laden

Người đứng đầu chính phủ Anh nhận định cái chết của trùm khủng bố Osama bin Laden sẽ mang đến cảm giác nhẹ nhõm cho người dân trên thế giới, còn Thủ tướng Israel cho rằng đó là chiến thắng vang dội đối với công lý và tự do.

“Trong hơn hai thập kỷ qua, bin Laden là thủ lĩnh và biểu tượng của al Qaeda. Y vẫn tiếp tục vạch ra những kế hoạch tấn công Mỹ và các đồng minh của chúng ta. Cái chết của bin Laden đánh dấu thành quả to lớn nhất trong nỗ lực chống al Qaeda của nước Mỹ. Tuy nhiên, cái chết của y không đặt dấu chấm hết cho nỗ lực chống khủng bố của chúng ta. Chắc chắn al Qaeda sẽ tiếp tục thực hiện những cuộc tấn công nhằm vào Mỹ. Chúng ta phải, và sẽ tiếp tục đề cao cảnh giác ở cả bên trong lẫn ngoài đất nước. Trong quá trình chống chủ nghĩa khủng bố, chúng tôi muốn nhắc lại rằng Mỹ không, và sẽ chẳng bao giờ, đối đầu với đạo Hồi”, BBC dẫn lời ông Obama phát biểu.Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa thông báo trùm khủng bố quốc tế Osama bin Laden chết trong một cuộc tấn công của quân Mỹ tại Pakistan vào tối 1/5.

Ngay sau bài phát biểu của Tổng thống Mỹ, lãnh đạo của nhiều nước đã lên tiếng về cái chết của bin Laden. Thủ tướng Anh David Cameron nhận định tin về cái chết của Osama bin Laden sẽ mang đến cảm giác nhẹ nhõm cho người dân trên khắp hành tinh.
“Osama bin Laden gây nên những tội ác diệt chủng tồi tệ nhất mà thế giới từng chứng kiến, trong đó có những vụ khủng bố vào ngày 11/9/2001 và nhiều vụ tấn công khác khiến hàng nghìn người thiệt mạng. Việc tìm thấy ông ta là một thành công lớn và tôi vui khi biết ông ta sẽ không thể thực hiện những chiến dịch khủng bố quy mô toàn cầu nữa”, ông Cameron phát biểu.
Ông Benjamin Netanyahu, Thủ tướng Israel, nói: "Đây là một chiến thắng vang dội đối với công lý, tự do và những giá trị mà các nước dân chủ trên thế giới theo đuổi trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố".
"Đó là một thành quả lớn trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố", Thủ tướng Kenya, ông Raila Odinga, bình luận.
Thủ tướng New Zealand, ông John Key, nói bin Laden gây nên cái chết của hàng nghìn người, trong đó có nhiều công dân New Zealand, ở khắp nơi trên thế giới.
"Mặc dù việc bin Laden bị tiêu diệt không thể khiến mọi hoạt động khủng bố chấm dứt ngay lập tức, song tôi tin tưởng rằng thế giới sẽ trở nên an toàn hơn khi không có ông ta", ông Key nói.
Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho rằng các nước trên thế giới không nên nới lỏng những nỗ lực hợp tác để chống chủ nghĩa khủng bố và những nơi ẩn náu của các phần tử khủng bố.
"Cuộc chiến chống khủng bố phải tiếp tục với mức độ cao hơn", Bộ Ngoại giao Ấn Độ nhấn mạnh.
Cựu tổng thống Mỹ George W. Bush cho hay, ông Obama đã gọi điện cho ông để thông báo cái chết của bin Laden trước khi công bố tin này trên truyền hình.

“Thành quả đáng ghi nhớ này là một chiến thắng dành cho người dân Mỹ, những người yêu chuộng hòa bình trên khắp thế giới và những người mất thân nhân trong các vụ khủng bố”, cựu tổng thống Mỹ George W. Bush bình luận.
Thông báo về cái chết của bin Laden được công bố sau 8 năm từ khi cựu tổng thống Bush khẳng định quân đội Mỹ đã hoàn thành sứ mệnh của họ tại Iraq. Trong hai nhiệm kỳ cầm quyền, ông Bush tuyên bố ông sẽ tìm thấy bin Laden trong tình trạng “còn sống hoặc đã chết”.
“Đây là khoảnh khắc đáng nhớ sâu sắc không chỉ đối với những gia đình mất người thân trong những vụ khủng bố ngày 11/9/2001 và các vụ tấn công khác của al Qaeda, mà còn đáng nhớ đối với người muốn xây dựng một tương lai hòa bình, tự do và hợp tác cho thế hệ tương lai trên toàn thế giới. Tôi chúc mừng Tổng thống, đội ngũ an ninh quốc gia và những binh lính đã đưa Osama bin Laden ra công lý”, cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton nói.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét